Chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024

Thứ hai, 15/04/2024 16:16
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024. Đây chính là khoảng thời gian các thí sinh cần tận dụng tối đa để ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.

Thời điểm này, các trường học đang chủ động ôn tập cho học sinh, nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.

Đa số các trường đều tổ chức thi thử tốt nghiệp giúp học sinh làm quen với việc tham gia kỳ thi, đề thi; đồng thời cũng là một lần kiểm tra kiến thức của người học để có kế hoạch ôn tập trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc tổ chức thi không nên quá nhiều. Một mặt gây áp lực không cần thiết, mặt khác nếu đề thi thử không bảo đảm chất lượng; cách thức tổ chức thi thử hoặc động lực của học sinh khi làm bài chưa phù hợp có thể dẫn tới kết quả không phản ánh đúng năng lực, ảnh hưởng không tốt đến việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi chính thức của học sinh.

Ảnh minh họa: P.T

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thầy cô triển khai đến các học sinh để nắm định dạng, cấu trúc, cách hỏi trong đề thi; cho học sinh làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề tham khảo sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học tập. Qua đề tham khảo, học sinh có thể phân biệt được các câu hỏi ở những mức độ khác nhau; từ đó có định hướng ôn tập và không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Ngoài ra, tùy theo nhóm học sinh, thầy cô có thể cung cấp thêm tài liệu để tham khảo, luyện tập thêm, nhưng không nên quá nhiều, gây quá tải không cần thiết.

Đồng thời, có thể luyện các đề tổng hợp, tương ứng với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT với thời gian làm bài như khi thi thật để có kinh nghiệm trong việc phân bổ thời gian cho bài thi.

Tổ chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với điều kiện từng trường, nhóm học sinh. Tổ chức ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Nhà trường, giáo viên tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Sau khi kết thúc chương trình, kế hoạch ôn tập cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn; sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, không gây quá tải...

Về phía học sinh, với sự hướng dẫn của thầy cô, các em có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Các em cần tự làm đề cương, bảng hay sơ đồ hệ thống hóa kiến thức vì trong khi thực hiện sẽ nắm vững kiến thức một cách chủ động, chắc chắn. Khi làm các bài tập luyện tập, đối với mỗi câu hỏi, dạng bài, các em phải nắm vững về kiến thức và phương pháp giải để vận dụng vào các câu hỏi, bài tập tương tự; trước khi làm mỗi câu hỏi, bài tập cần so sánh với câu hỏi, bài tập đã làm để đối chiếu sự giống và khác nhau; không nhất thiết phải làm quá nhiều bài tập tương tự...

Ngày 22/03/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1277/BGDDT -QLCL về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28/6/2024.

Kỳ thi năm nay có 5 bài thi tương ứng với 4 buổi thi (2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ được tổ chức thi trong một buổi).

Mỗi thí sinh là học sinh lớp 12 THPT sẽ dự thi 4 bài gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để xét tốt nghiệp.

Thí sinh học giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài gồm toán, ngữ văn và 1 trong 2 bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên có thể đăng ký thi thêm ngoại ngữ nếu có nhu cầu sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực