Đề xuất chủ trương, chính sách mới phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam

Thứ ba, 02/04/2024 14:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau 10 năm thực hiện số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề mới đặt ra cần được giải quyết cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Sáng 2/4, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Toạ đàm khoa học và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá.

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TH. 

Nhiều vấn đề mới đặt ra cần được giải quyết

Phát biểu khai mạc, TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, có tác động sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Đây là Nghị quyết toàn diện, có nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục, được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Nghị quyết 29 được ban hành vào năm 2013 đánh dấu bước một bước ngoặt quan trọng trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo đã được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề mới đặt ra cần được giải quyết như: chênh lệch về chất lượng giáo dục, thiếu hụt giáo viên giỏi, chuyển đổi số trong giáo dục; giáo dục đạo đức, lối sống; hội nhập quốc tế; tự chủ của nhà trường…Do đó, để thực hiện thành công Nghị quyết 29 cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: TH.

Đồng chí Vũ Thanh Mai cho biết: Hiện nay, Trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là hoạt động rất quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn; đánh giá toàn diện, sâu sắc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền; kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Kết quả của buổi tọa đàm hôm nay còn góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách mới phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”, đồng chí Vũ Thanh Mai nói.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, thảo luận những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó, tập trung trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực  khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (Nguồn nhân lực STEM); giáo dục thích ứng với cách mạng về trí tuệ nhân tạo; giáo dục gắn với giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề về mô hình đại học quốc gia, đại học vùng ở tại Việt Nam; chính sách giáo dục không vì lợi nhuận; vấn đề đào tạo giáo viên thích ứng với kỷ nguyên số, cơ hội, thách thức phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đột phá, then chốt; những đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ, giải  pháp với nguồn lực đảm bảo tính khả thi

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định Nghị quyết  29 đến nay vẫn còn nguyên giá trị tuy nhiên vẫn còn khoảng cách giữa chủ trương và chính sách. Trong đó, giáo dục theo tiếp cận năng lực mới chỉ tập trung bước đầu ở GDPT; chưa có chuyển biến thực chất ở GDNN, GDĐH, GDTX; bước chuyển sang giáo dục mở mới chỉ dừng lại ở một số hội thảo học thuật và một số sáng kiến ở cơ sở …

Bên cạnh đó, phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục còn chậm, tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống văn bản pháp luật, hiệu lực thi hành các văn bản pháp luật thấp; thiếu cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung, trong nâng cao chất lượng GDĐH nói riêng. Đáng chú ý, cơ chế giám sát và đánh giá còn mang tính hình thức..

TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: TH. 

Từ những phân tích trên, GS.TS Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra khuyến nghị cần thống nhất nhận thức về chủ trương đối với từng vấn đề đặt ra, từ những khái niệm cơ bản, đến lợi ích và rủi ro, lý luận và thực tiến, cơ hội và thách thức.

Đồng thời, chú trọng khảo sát đánh giá đúng hiện trạng, có sự lựa chọn ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ, giải  pháp với nguồn lực đảm bảo tính khả thi.

“Cần nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp đi đôi với cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên hệ thống dữ liệu khách quan, tin cậy và minh bạch để đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐKH các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TH. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐKH các cơ quan Đảng Trung ương: Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục - đào tạo là biện pháp quan trọng nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thiếu niên, thanh niên. Ngược lại, giáo dục không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến thiếu niên, thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện: cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống XHCN lên hàng đầu.

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc đề xuất, bên cạnh việc tiếp tục tham mưu để hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, cần tập trung chỉ đạo đưa vấn đề giáo dục giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện để xây dựng nhân cách, đạo đức học sinh, sinh viên, học viên, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam nghiên cứu đưa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới vào trong chương trình giáo dục - đào tạo của các cấp học, các ngành học một cách tương thích, phù hợp nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người Việt Nam./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực