Du lịch Hà Giang: Một năm khởi sắc

Thứ tư, 20/12/2023 10:15
(ĐCSVN) - Năm 2023, Hà Giang là điểm đến trong nước được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google, trở thành Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á, được bình chọn là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam;… Đó là những tín hiệu lạc quan cho thấy du lịch Hà Giang đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ và bứt phá hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch, đẩy mạnh liên kết mở rộng thị trường, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

Những tín hiệu tích cực

Thời điểm cuối năm 2023, du lịch Hà Giang liên tiếp đón nhận nhiều tín hiệu vui về sự phục hồi và mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2023 công dân từ 225 quốc gia vùng lãnh thổ đến du lịch Hà Giang, trong đó chỉ tính riêng năm 2023 khách quốc tế đến Hà Giang thống kê được từ 205 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, năm 2023 Hà Giang ước đón trên 3 triệu lượt du khách, trong đó có 282 nghìn lượt khách quốc tế, trên 2,7 triệu lượt khách nội địa (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 20,7% kế hoạch năm). Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ.

Dấu ấn lớn của du lịch Hà Giang trong năm qua là nhiều lần liên tiếp, Hà Giang nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Tháng 01/2023, Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Cùng với đó, 18 làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang cũng vinh dự được chọn quảng bá giới thiệu trên website của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

 Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang nhận giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương tối 6/9/2023. 

Đặc biệt, tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương diễn ra tháng 9/2023, tỉnh Hà Giang đã vượt qua các ứng viên là Bandar Seri Begawan, Brunei; Flores, Indonesia; Koh Kood, Thailand; Melaka, Malaysia; Morioka, Japan; Okinawa, Japan; Phnom Penh, Cambodia; Sumba Island, Indonesia; Taipei, Taiwan, vinh dự được nhận giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.

Cũng trong tháng 9/2023, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh 3 món ăn của Hà Giang gồm: cá bỗng, cháo ấu tẩu và phở ngô trong top 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Các món được xét chọn bám sát 3 tiêu chí: Có giá trị văn hóa, lịch sử; có giá trị đặc trưng về chất lượng, công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông; có giá trị kinh tế và khả năng phát triển trong cộng đồng. Đây là cơ hội để Hà Giang giới thiệu các món ăn đặc sản đến người dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá du lịch qua văn hoá ẩm thực của Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng.

  Các làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang được chọn quảng bá trên website của khối APEC.

Đáng chú ý, một trong những điểm sáng trong bức tranh du lịch Hà Giang năm vừa qua là sự kiện Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO để giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tiếp tục là niềm tự hào đối với mỗi người dân Hà Giang. Kể từ sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, diện mạo Hà Giang nói chung, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Gần đây nhất, nền tảng Google công bố danh sách “Google một năm tìm kiếm 2023” trong đó có những xu hướng tìm kiếm nổi bật được người Việt quan tâm trong năm vừa qua, chia theo các chủ đề cụ thể. Đáng lưu ý là ở mục xu hướng tìm kiếm về “du lịch”, ba vị trí đầu tiên trong Top 10 lần lượt thuộc về các điểm đến quốc tế gồm Đài Loan, Thái Lan, Châu Âu, tiếp đó Hà Giang đứng thứ 4/10 bảng xếp hạng tìm kiếm và giữ vị trí đầu tiên trong các điểm du lịch trong nước được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2023.

Sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng của Hà Giang tiếp tục được duy trì, nhân rộng và đặc biệt thu hút du khách. 

Thêm nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng

Điểm nhấn của du lịch Hà Giang trong năm 2023 là xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng, chất lượng, trong đó đẩy mạnh gắn kết, khai thác trong các chương trình du lịch một số sản phẩm Du lịch địa chất tiêu biểu trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn như Thạch Sơn Thần, hóa thạch Huệ Biển, Bọ Ba Thùy Lũng Cú; các điểm kiến tạo địa chất, cảnh quan Núi Đôi (Quản Bạ), đèo Mã Pì Lèng gắn với hẻm vực sông Nho Quế (Mèo Vạc); Tay cuộn Ma Lé (Đồng Văn), các cụm địa chất karst hang động (Yên Minh), các mặt trượt đứt gãy tầng địa chất, hóa thạch cổ sinh…

Khảo sát xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: sản phẩm du lịch tâm linh lịch Bốt Đèo Gió, Bãi đá cổ Nấm Dẩn, di tích Nàn Ma, thăm chiến trường xưa Vị Xuyên; tour đi bộ leo núi, cắm trại, ngủ rừng, khám phá sự đa dạng sinh học tại Núi Bắc Vì thuộc thôn My Bắc, xã Tân Bắc, khu rừng nguyên sinh tại thôn Khun, xã Bằng Lang; đi bộ leo núi kết hợp khám phá hang động tại hang Tia Sáng xã Má Lé, Đồng Văn...

 Một số sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm được tổ chức thường niên dần gắn liền với thương hiệu Cao nguyên đá và đặc biệt thu hút du khách trong những năm gần đây.

Đưa vào sử dụng các tuyến du lịch đi bộ hiện có trên vùng Công viên địa chất, trong đó mở mới tuyến đường đi bộ trải nghiệm tại khu vực đồi thông giáp ranh với xã Đông Hà, đầu tư xây dựng tuyến đi bộ vách đá trắng thuộc địa phận xã Pải Lủng và xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; hoàn thành và đưa vào sử dụng Con đường trải nghiệm du lịch mạo hiểm tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh; khảo sát, đề xuất xây dựng con đường du lịch trải nghiệm số 5, kết nối 2 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng…

Đặc biệt, Hà Giang cũng vừa ra mắt hai sản phẩm du lịch mới là “Wow - Hà Giang” và “Hành trình về miền ký ức” đem đến cho du khách thêm những trải nghiệm mới tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Hai sản phẩm du lịch mới được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tính thời vụ cho ngành du lịch Hà Giang, bên cạnh các tour du lịch mùa hoa tam giác mạch hoặc đi thuyền trên sông Nho Quế vốn đã rất nổi tiếng; đồng thời cũng giúp mở rộng không gian du lịch Hà Giang, tránh tình trạng quá tải về lượng khách trong mùa cao điểm.

 Hoa hậu Tiểu Vy thăm quan sông Nho Quế trong chuyến công tác thiện nguyện tại Hà Giang tháng 12/2023.

Bên cạnh đó, với những thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, tính nguyên sơ, bản sắc văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em, các sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng của Hà Giang tiếp tục được duy trì, nhân rộng và đặc biệt thu hút du khách, điển hình như: Làng văn hóa Lô Lô Chải (văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu kiến trúc truyền thống dân tộc Lô Lô), Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (theo tiêu chuẩn ASEAN); Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (mô hình hoạt động hợp tác xã du lịch); Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm (văn hóa truyền thống dân tộc Mông);… Ngoài ra nhiều không gian văn hóa chợ phiên tại Hà Giang hiện đang thu hút khách du lịch như: Chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ các xã Khâu Vai, Lũng Pù, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... qua đó góp phần giữ gìn, quảng bá văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá đến với du khách.

Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Giang đã tiến hành khảo sát và thử nghiệm một số sản phẩm du lịch mạo hiểm như: Đua xe mô tô, ô tô địa hình đồi dốc và lòng suối tại các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì; chèo thuyền Kayak trên sông Nho Quế; bay dù lượn ở các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh; khám phá hang Khố Mỷ, động Lùng Khúy (Quản Bạ); hang Khun (Quang Bình)... góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến với Hà Giang. Đến nay, một số sản phẩm du lịch thể thao được tổ chức thường niên cũng dần gắn liền với thương hiệu Cao nguyên đá như Giải Marathon quốc tế “Chạy trên con đường Hạnh Phúc”, Giải Trình diễn đua ô tô, mô tô “Tinh thần đá” lần thứ IV và dù lượn năm 2023… Nhiều sự kiện văn hóa thường niên của tỉnh đã tạo ra điểm nhấn, sản phẩm du lịch trải nghiệm như Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc, Festival Khèn Mông, Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội hoa Tam giác mạch...

Ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem (ngồi giữa) với những diễn viên quần chúng trong quá trình thực hiện MV “Hà Giang ơi” . (Nguồn ảnh: Vietnamnet).

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Với chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", Hà Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững, trong đó tập trung vào 5 loại hình chính gồm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch thương mại, biên giới.

“Đặc biệt, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với mô hình các làng văn hoá du lịch; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo” - Bà Tình nhấn mạnh.

 Đến nay 100% đường tỉnh, đường huyện, đường xã đến các điểm du lịch, đường đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đã được nhựa hóa và bê tông hóa.

“Tăng tốc” phát triển bền vững

Với kỳ vọng mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong năm qua Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kích cầu, đẩy mạnh liên kết mở rộng thị trường, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Nổi bật là, công tác truyền thông quảng bá về du lịch được địa phương đẩy mạnh trên các nền tảng số gắn với các sự kiện và các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước; lắp đặt hệ thống QRCode tại 20 khu, điểm du lịch nhằm cung cấp thông tin đến du khách; phối hợp với tập đoàn FPT triển khai Cổng thông tin và Bản đồ số về du lịch… Công tác xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang thông qua các hình thức xây dựng MV ca nhạc, thông qua sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, ca sỹ, nhạc sỹ, Kênh Youtube, Tiktok, phim điện ảnh đã bước đầu phát huy hiệu quả. Hình ảnh Hà Giang qua mỗi thước phim điện ảnh, MV hay chương trình truyền hình thực tế đã góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang đến gần hơn với du khách, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.

Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên Hà Giang đăng cai tổ chức thành công Lễ hội văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam với sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố gồm: TP. HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Phú Yên, Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Định, Hà Tĩnh. Đây là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết liên kết giữa Hà Giang với các tỉnh, thành, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước cùng chung tay xây dựng các sản phẩm, tuyến du lịch mới, hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch bền vững.

 Bước sang năm 2024, ngành du lịch Hà Giang đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công viên ĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, dự kiến hết năm 2023, du lịch Hà Giang cơ bản đạt mục tiêu chung mà Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 đề ra là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đến nay, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân đã có sự chuyển biến tích cực, nâng cao trách nhiệm hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng; cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch được tăng cường đầu tư, hoàn thiện; 100% đường tỉnh, đường huyện, đường xã đến các điểm du lịch, đường đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đã được nhựa hóa và bê tông hóa, đường thôn xóm có các điểm du lịch được cứng hóa phục vụ du khách đi lại thuận tiện…

Bước sang năm 2024, ngành du lịch Hà Giang đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách. Thực tế cho thấy vẫn còn không ít những điểm nghẽn cần được tháo gỡ như nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn hẹp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; các quy hoạch chi tiết, cơ chế chính sách hỗ trợ vẫn chưa được hoàn thiện; chất lượng và số lượng nguồn nhân lực bước đầu có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn thiếu và yếu;…

Tuy nhiên, với nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn của cấp ủy chính quyền các cấp và sự ủng hộ của người dân địa phương, tin rằng ngành “công nghiệp không khói” của Hà Giang sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2024. Để làm được điều này, Hà Giang đặt quyết tâm lớn trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn còn tồn tại để cùng thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh, bền vững cho toàn ngành. Trong đó chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại tỉnh Hà Giang thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang; triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;…

Hoa Hiền - Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực