Thúc đẩy truyền thông hiện đại, lan tỏa văn hóa, mảnh đất và con người Hà Giang

Thứ hai, 01/01/2024 17:20
(ĐCSVN) - Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, Hà Giang được đánh giá là một trong những tỉnh thúc đẩy rất sớm việc quảng bá hình ảnh địa phương trên môi trường số. Có được điều đó là nhờ chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của tỉnh trong công tác chuyển đổi số.

Du lịch Hà Giang: Một năm khởi sắc

Hà Giang: Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

 Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang”.

Hòa chung dòng chảy của chuyển đổi số, Hà Giang đã nhanh chóng bắt nhịp với xu thế, tích cực triển khai thực hiện truyền thông số trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương. Những kết quả đạt được trong công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông số đã được khắc họa rõ nét ở Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 - một trong những “dấu ấn số” của ngành Thông tin và Truyền thông Hà Giang năm vừa qua.

Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang” là diễn đàn gặp gỡ, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông; thể hiện sự kết nối và phối hợp giữa truyền thông nhà nước với truyền thông cộng đồng; tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách, cách làm mới. Nhân sự kiện này, lần đầu tiên tỉnh Hà Giang ghi nhận, vinh danh, khích lệ các cá nhân và kênh thông tin cộng đồng có đóng góp tích cực trong hoạt động truyền thông, quảng bá, lan tỏa về Hà Giang trên môi trường số.

 

 

Câu chuyện “truyền thông - số” ở tỉnh miền núi khó khăn

Tại Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã đưa ra những con số rất ấn tượng: Từ đầu năm đến nay, số lượng báo điện tử thông tin về Hà Giang vượt trội hơn nhiều so với các địa phương khác với trên 28.000 tin, bài, trong đó hơn 80% tin, bài với nội dung tích cực; cao điểm có những ngày có đến 486 tin, bài tuyên truyền về Hà Giang trên môi trường số… Ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí lớn cũng tăng cường thông tin, dành thời lượng cho Hà Giang. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả công tác truyền thông số của Hà Giang, qua đó có thể thấy sức hút của Hà Giang đối với các cơ quan truyền thông, trong đó nội dung quan tâm chủ yếu là cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất, địa mạo của Hà Giang, những lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng cao nguyên đá...

Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hà Giang cho biết, truyền thông số (truyền thông trên môi trường Internet, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin) còn là khái niệm khá mới mẻ, đặc biệt với tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn như Hà Giang. Do đó, sẽ rất khó khăn để quảng bá hình ảnh Hà Giang nếu chỉ truyền thông theo phương thức truyền thống trước đây.

 Hòa chung dòng chảy của chuyển đổi số, Hà Giang đã nhanh chóng bắt nhịp với xu thế, tích cực triển khai thực hiện truyền thông số trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương.

Dù vậy, Hà Giang được đánh giá là một trong những tỉnh thúc đẩy rất sớm việc quảng bá hình ảnh địa phương trên môi trường số. Có được điều đó là nhờ chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của tỉnh trong công tác chuyển đổi số. Ngay từ nhiệm kỳ trước, tỉnh Hà Giang xác định phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, trọng tâm là thông tin, tuyên truyền trên môi trường số, nhờ đó đã phát huy hiệu quả rõ nét ở địa bàn khó khăn đặc thù như Hà Giang.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và quyết tâm chính trị cao trong công tác chuyển đổi số, với các định hướng rõ ràng, đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt ưu tiên đầu tư, phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số. Theo đó, tận dụng công nghệ để phát triển địa phương, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời huy động sự tham gia vào cuộc tích cực, thường xuyên, hiệu quả của hệ thống chính trị và khuyến khích, tạo động lực để các lực lượng truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng chung tay, đồng hành với sự phát triển của tỉnh.

Nhờ truyền thông số mà giờ đây, mọi người dân từ thành phố đến những thôn, bản xa xôi của tỉnh Hà Giang đều có thể làm truyền thông, đưa hình ảnh, văn hóa, sản vật của Hà Giang đến với mọi miền Tổ quốc.

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đóng góp vào sự phát triển của Hà Giang thời gian qua có sự tham gia tích cực của công tác truyền thông nói chung, công tác truyền thông số nói riêng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Giang ra các địa phương trong cả nước và thế giới. Công tác truyền thông đã từng bước được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đến nguồn nhân lực, đặc biệt là tạo điều kiện để tiếp cận, thiết lập và khai thác, sử dụng các phương thức truyền thông hiện đại, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp nhanh với chuyển đổi số. Nhờ truyền thông số mà giờ đây, mọi người dân từ thành phố đến những thôn, bản xa xôi của tỉnh Hà Giang đều có thể làm truyền thông, đưa hình ảnh, văn hóa, sản vật của Hà Giang đến với mọi miền Tổ quốc, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

 
Bên cạnh hiệu quả truyền thông, quảng bá của các cơ quan báo chí, truyền thông nhà nước, việc truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số thời gian qua, còn có sự vào cuộc và đóng góp tích cực, hiệu quả của các lực lượng truyền thông trong cộng đồng.

Ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem, người sáng tác và thể hiện rất thành công bài hát “Hà Giang ơi” thu hút 180 triệu lượt view trên các nền tảng mạng xã hội cho biết: Nơi đây dường như đã trở thành quê hương của những người yêu Hà Giang. Năm 2018 khi đặt chân đến mảnh đất nơi biên cương địa đầu cực bắc Tổ quốc, anh cảm nhận Hà Giang rất đẹp và nhận thấy cần phải truyền thông, quảng bá quê hương mình trên các nền tảng số. Anh không ngờ bài hát “Hà Giang ơi” tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt và được nhiều người đón nhận đến thế. Từ động lực này, Quách Beem dự định sẽ dịch ca khúc sang tiếng nước ngoài và hợp tác với các ca sĩ ngoài nước để tiếp tục lan tỏa, đưa hình ảnh Hà Giang vươn ra thế giới.

Hay như anh Hoàng Nam, chủ nhân của kênh Youtube “Challenge me - Hãy Thách Thức Tôi” với gần 4,1 triệu người đăng ký cùng rất nhiều video quảng bá về Hà Giang, chia sẻ: Thành công của những clip về Hà Giang trên các kênh Youtube là đã truyền tải chân thực hình ảnh về Hà Giang với cảm xúc đặc biệt của Hoàng Nam sau mỗi lần đến với mảnh đất này. Đó là những trải nghiệm hoàn toàn mới và những cảm xúc khó quên về cảnh đẹp, đời sống của đồng bào các dân tộc với những phong tục, bản sắc văn hóa rất riêng, hấp dẫn. Đó là động lực để anh tiếp tục khám phá, lan tỏa về mảnh đất quê hương nơi địa đầu Tổ quốc.

Ngày hội Truyền thông Hà Giang 2023 đã tổ chức vinh danh, khen thưởng 20 kênh thông tin và 24 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác truyền thông, quảng bá, tích cực ứng dụng công nghệ số lan tỏa hình ảnh của tỉnh cả trong cơ quan nhà nước và ngoài cộng đồng.

Hiến kế phát triển truyền thông số Hà Giang

Nhiều ý kiến, góp ý, tư vấn của các nhà quản lý, các chuyên gia, những nhà sáng tạo nội dung số đã được trao đổi cởi mở tại Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang” - sự kiện chính diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Truyền thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông số của Hà Giang còn nhiều khó khăn về kỹ năng, nhân lực, điều kiện, và đặc biệt là hạ tầng thông tin. Để truyền thông hiệu quả trên môi trường số, theo ông Lê Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam VDCA, Hà Giang cần có một số cơ chế, chính sách như: tăng cường sự hấp dẫn của các nội dung số; hàng năm tổ chức cuộc thi lựa chọn những sản phẩm truyền thông hấp dẫn trên môi trường số; tăng cường truyền thông về các tiềm năng, lợi thế của Hà Giang trên môi trường số...

"Đặc biệt, Hà Giang cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” của nhà nước trong việc kết nối giữa truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng, trong đó chú trọng cơ chế chính sách đặt hàng thông tin đối với mạng truyền thông; kết nối, tập huấn, khen thưởng đội ngũ truyền thông cộng đồng; có cán bộ chuyên trách về truyền thông… để tạo sự đột phá hơn nữa trong công tác truyền thông, lan tỏa hình ảnh địa phương" - ông Lê Văn Nghiêm nhấn mạnh thêm.

Ở góc nhìn của ngành Văn hóa, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh khẳng định, rõ ràng là giữa các cơ quan ban ngành, các đơn vị cũng như các cá nhân cần có một sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ nhau để tạo nên hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực kết nối, hợp tác, hỗ trợ truyền thông trên nền tảng số trong quảng bá văn hóa - du lịch.

Nhiều ý kiến, góp ý, tư vấn của các nhà quản lý, các chuyên gia, những nhà sáng tạo nội dung số đã được trao đổi cởi mở tại Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang” - sự kiện chính diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Truyền thông. 

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, tỉnh quyết tâm đưa Hà Giang đến với du khách thông qua truyền thông, quảng bá những lễ hội thường niên, mang thương hiệu của Hà Giang trên các nền tảng số, mạng xã hội Zalo, Facebook của huyện, tỉnh như Lễ hội hoa Tam giác mạch, Lễ hội Qua những miền di sản bậc thang Hoàng Su Phì, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; một số lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tổ chức các tour du lịch online trải nghiệm với nhiều video clip quảng bá về những danh thắng, di sản, các điểm đến hấp dẫn, ẩm thực vùng miền cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương… Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đồng thời, tham mưu tỉnh phối hợp, đồng hành cùng đội ngũ truyền thông cộng đồng trong việc thông tin những điểm đến hấp dẫn, các sự kiện thường niên, lễ hội truyền thống của tỉnh; tham mưu cơ chế, chính sách cho đội ngũ sáng tạo nội dung số giúp truyền thông lan tỏa hình ảnh Hà Giang.

Để công tác quảng bá hình ảnh Hà Giang được lan toả rộng rãi, hiệu quả hơn không chỉ với công chúng trong nước mà cả cộng đồng quốc tế, ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT) gợi mở: Hà Giang cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là: kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Trong số này, truyền thông số là xu hướng không thể đảo ngược, do đó cần tiến hành quyết liệt, triệt để và toàn diện truyền thông số. Để truyền thông tốt cần đổi mới phương thức truyền thông trên cơ sở phát triển nền tảng số với hệ thống dữ liệu số tốt phục vụ cho truyền thông bền vững và lâu dài; ứng dụng các công nghệ thông minh, hiện đại (như Blockchain, Big Data, Cloud…) để thay thế những phương thức truyền thống bị hạn chế về không gian, kinh tế.

Truyền thông số đưa Hà Giang đến gần hơn với du khách. (Ảnh: ĐP).

Sáng kiến hay, mô hình cần được tham khảo, nhân rộng

Ngày hội Truyền thông Hà Giang năm 2023 khép lại cách đây chưa lâu, nhưng dư âm tốt đẹp vẫn còn đọng lại đối với nhiều người trực tiếp tham dự sự kiện và cả với những người yêu mến Hà Giang theo dõi trực tiếp chương trình trên các nền tảng số. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Hà Giang đã có cách làm mới, sáng tạo, thể hiện được sự tinh tế, nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm trong công tác truyền thông chính sách và lan tỏa hình ảnh địa phương đến cộng đồng, người dân trong và ngoài nước. Đây được xem là một sáng kiến hay, mô hình cần được tham khảo, nhân rộng đối với các tỉnh, thành trong cả nước.

Cùng với những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, Hà Giang cần có sự đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của Hà Giang, về cảm nhận, ấn tượng của người dân, du khách trong và ngoài nước để qua đó điều chỉnh, bổ sung, khai thác, làm bật lên thế mạnh của địa phương. Vấn đề quan trọng nhất đối với truyền thông là thay đổi nhận thức, do đó cần có cơ chế, công cụ đánh giá để giải quyết bài toán nguồn lực trên không gian số. Hà Giang nên sớm ban hành danh sách đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách ở tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, qua đó tạo sự kết nối và trở thành kênh cung cấp thông tin chính thống cho báo chí một cách bài bản, quy củ trong việc truyền thông lan tỏa hình ảnh địa phương.

 Cao nguyên đá Đồng Văn - điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu đối với mỗi du khách trên hành trình khám phá Hà Giang. (Ảnh: ĐP).

Có thể thấy, việc tổ chức Ngày hội Truyền thông đã khắc họa rõ nét về kết quả công tác truyền thông của Hà Giang; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, kinh phí đảm bảo công tác truyền thông đã từng bước được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ. Đặc biệt, Hà Giang đã bước đầu mạnh dạn tạo cơ chế để mở rộng các phương thức truyền thông hiện đại; thu hút, ghi nhận những đóng góp các nhà sáng tạo nội dung số. Thông qua tổ chức Ngày hội Truyền thông đã xuất hiện những cá nhân, chủ kênh cộng đồng uy tín, tiêu biểu trong hoạt động truyền thông, lan tỏa hình ảnh Hà Giang, cung cấp thông tin tin cậy trên môi trường số. Từ đó, hình thành, thiết lập mạng lưới truyền thông cộng đồng kết nối, đồng hành cùng truyền thông nhà nước, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ công tác quảng bá địa phương.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hà Giang - ông Đỗ Thái Hòa nhìn nhận, điều quan trọng có được từ Ngày hội đó là những hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia, những nhà sáng tạo nội dung số, giúp cho Hà Giang có thêm những nhận thức mới, kinh nghiệm quý để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông số, lan tỏa hình ảnh Hà Giang.

Thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông Hà Giang sẽ tích cực tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn và kinh nghiệm, cách làm của các tỉnh, thành, chủ động tham mưu cho tỉnh lựa chọn chủ đề, nội dung thích hợp để xây dựng tổ chức các chương trình truyền thông, quảng bá, mở rộng trên các kênh truyền thông quốc tế, truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng; tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhân lực làm công tác truyền thông để làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc kết nối, đưa truyền thông nhà nước, truyền thông quốc tế và truyền thông cộng đồng lại gần với nhau hơn; phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành và đội ngũ làm truyền thông chính sách địa phương tạo thành mạng lưới truyền thông mạnh, cung cấp thông tin nhanh nhạy rộng khắp, có tính định hướng, cùng chung tay tạo nên môi trường truyền thông tốt đẹp, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển.

 

 

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực