Điện ảnh "dẫn lối" cho du lịch Hà Giang

Thứ ba, 05/12/2023 15:45
(ĐCSVN) - "Tết ở làng Địa Ngục" được quay ở làng Sảo Há, thôn Hó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn chiếm vị trí top 1 trong 6 tuần liên tục trên nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến ngay sau khi ra mắt. Địa danh này dự kiến sẽ trở thành một điểm đến được "săn đón" trong năm 2024 tại tỉnh Hà Giang.
 Hình ảnh du lịch Hà Giang thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông và sản phẩm nghệ thuật được yêu thích.

Theo thống kê của phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2023 công dân từ 225 quốc gia vùng lãnh thổ đến du lịch Hà Giang, chỉ tính riêng năm 2023 khách quốc tế đến Hà Giang thống kê được từ 205 quốc gia vùng lãnh thổ.

Để có được con số ấn tượng như trên tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quảng bá, trong đó công tác xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang thông qua điện ảnh đã bước đầu phát huy một cách có hiệu quả.

 Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang.

Nhiều quốc gia thành công trong quảng bá du lịch qua điện ảnh

Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường; lợi thế về nhân công…

Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách. Thực tế đã chứng minh, ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật Bản… nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan.

 Đường vào Sảo Há - Làng địa ngục ngoài đời thực. (Ảnh: Hà Giang trẻ).

Một số thí dụ tiêu biểu trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh có thể kể đến năm 2010, tour "Phép thuật của Harry Potter" đã giúp Universal Studios ở Orlando tăng gần 6 triệu du khách; tour "King Kong 3-D" giúp Hollywood tăng 26% lượng khách với hơn 5 triệu du khách...

Trong hai thập kỷ trở lại đây, cùng với sự phát triển của điện ảnh, trong đó có đề tài khai thác những câu chuyện đời thường trên phông nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc đã ưu ái dẫn lối nhiều khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Hà Giang được lọt vào ống kính của các nhà quay phim. Có thể kể đến những tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong cả lĩnh vực điện ảnh và hiệu ứng thúc đẩy phát triển du lịch như "Lặng yên dưới vực sâu", "Chuyện của Pao", "Mặt trời đỏ"… và gần đây nhất, với vai trò là bối cảnh của hai tác phẩm đắt khách mang tên "Tết ở làng địa ngục" và "Kẻ ăn hồn".

 Bối cảnh phim "Tết ở làng địa ngục" được quay tại làng Sảo Há (Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Bối cảnh phim đặc biệt ở Hà Giang

Trong dịp cuối năm 2023, làn sóng mang tên "Tết ở làng Địa Ngục" và "Kẻ ăn hồn" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do tác giả trẻ tuổi Thảo Trang chắp bút đang là những bộ phim thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả không chỉ bởi những tình tiết lôi cuốn, dàn diễn viên chất lượng mà còn gây tò mò cho người xem bởi cảnh sắc và hình ảnh đậm chất tự nhiên xuất hiện trong phim.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, ngay khi đọc những trang đầu của cuốn tiểu thuyết, trong đầu anh đã lập tức liên tưởng đến một ngôi làng cổ ở Hà Giang. Sau nhiều lần khảo sát ngôi làng được chọn mang tên Sảo Há (Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nơi có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, thường xuyên có sương mù bao phủ, nơi còn lưu giữ gần như vẹn nguyên hình ảnh đơn sơ, mộc mạc ngôi làng cổ của người dân tộc Mông.

 Khách du lịch check in tại làng địa ngục ngoài đời thực. (Ảnh: Hà Giang trẻ).

Suốt quá trình bấm may quay cũng là quá trình chinh phục "3 không": không điện, không nước, không sóng điện thoại đầy gian khó ở địa phương của đoàn làm phim.

Song một nơi heo hút, lạnh lẽo, sương mù như vậy lại là bối cảnh phù hợp nhất cho mô tả về một ngôi làng biệt lập nằm sâu trong rừng có tên là "làng địa ngục", nơi ẩn dật của hậu duệ của một băng cướp khét tiếng. Do tội ác của ông cha ngày trước mà dân làng thường xuyên gặp phải những chuyện kỳ dị xảy ra vào dịp Tết âm lịch trong phim.

Xuất hiện trên phim là thế, song thật sự Sảo Há lại là ngôi làng rất đỗi xinh đẹp vào mùa xuân, khi những cây hoa đào nở rộ, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng. Bên trong cánh rừng âm u là những nếp nhà trình tường lợp mái âm dương óng ánh khi nắng lên, từng dãy nhà nằm san sát nhau tạo thành một cụm yên bình như tranh vẽ.

Thời gian tới huyện Đồng Văn cho biết dự kiến sẽ sử dụng hợp lý các tài nguyên du lịch làng Sảo Há nhằm đáp ứng nhu cầu của một điểm đến được "săn đón" trong năm 2024.

 Ngôi nhà 75 năm tuổi mang kiến trúc đặc trưng của người Mông được lấy làm bối cảnh chính trong bộ phim “Chuyện của Pao”.

Hà Giang hùng vĩ, nên thơ trong nhiều bộ phim nổi tiếng

Hà Giang có vô vàn cảnh đẹp, không ít di tích lịch sử hấp dẫn, di sản văn hóa đặc sắc. Bên cạnh hai bộ phim vừa được nhắc đến ở trên, Hà Giang cũng là địa điểm được chọn cho bối cảnh của các bộ phim nổi tiếng.

Công chiếu vào năm 2006, bộ phim "Chuyện của Pao" được quay tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, kể về hành trình đi tìm mẹ của Pao, tìm hiểu những uẩn khúc trong gia đình mình, những bí mật mà mẹ và chính cô đang cất giấu.

Phim đoạt 04 giải Cánh Diều Vàng không chỉ bởi nội dung mà còn  là những cảnh phim đầy chất thơ giữa khung cảnh hùng vĩ, gai góc nơi núi rừng Hà Giang.

Sau khi bộ phim này được công chiếu, "Chuyện của Pao" đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn mà bất kỳ ai khi đi tour Hà Giang đều muốn ghé thăm, nhiều đoàn khách du lịch Hà Giang tìm đến để được check-in tại những địa điểm quay phim.

 Diễn viên Phương Oanh (vai Súa) vẫn thường bồi hồi mỗi khi nhắc lại quãng thời gian đóng phim "Lặng yên dưới vực sâu" tại Hà Giang.

Năm 2015, bộ phim "Cha cõng Con" của đạo diễn Lương Đình Dũng được giới thiệu tới khán giả.

Trong  phim, một số bối cảnh đắt giá của bộ phim được lấy bối cảnh đỉnh đồi Minh Ngọc và dòng sông Gâm tại huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang với độ cao gần 200m chảy từ chân đồi tới ngọn núi đá dựng đứng rồi lại bất ngờ buông mình thả lỏng theo hình cánh cung hòa vào những dãy núi đá phiến thạch anh chảy đến các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, tạo nên cảnh quan tự nhiên tuyệt mỹ. Bối cảnh này đã được các chuyên gia đánh giá cao góp phần tạo nên thành công về mặt hình ảnh cho cả bộ phim.

Bước sang năm 2017, một Hà Giang kỳ vỹ lại vinh dự xuất hiện trong 2 bộ phim nổi tiếng là "Bầu trời đỏ" và "Lặng yên dưới vực sâu".

"Bầu trời đỏ" là bộ phim của đạo diễn Olivier Lorelle, một nhà biên kịch Pháp nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh. Nhiều bối cảnh tại khu vực huyện Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang) đã được đạo diễn lựa chọn.

Cũng nói về chủ đề tình yêu, tác phẩm "Lặng yên dưới vực sâu" của đạo diễn Đào Duy Phúc là bộ phim nói về cuộc sống và con người ở Hà Giang.

Chương trình "2 ngày 1 đêm" ghi hình tại Hà Giang. (Ảnh: Đông Tây).

Trên bối cảnh cao nguyên đá Đồng Văn và Mèo Vạc hùng vĩ với những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, sương khói bảng lảng, những ngôi nhà ẩn sau bờ rào đá, những tà váy xòe rực rỡ của các cô gái Mông và đặc biệt là những cánh đồng hoa tam giác mạch hồng rực trải khắp các triền núi là câu chuyện tình yêu lãng mạn, bay bổng của đôi trai tài gái sắc người Mông, nhưng bị những hủ tục lạc hậu bị chia cắt đầy xót xa.

Với gần 40 tập phát sóng trên các  kênh của  Đài  Truyền  hình  Việt  Nam đã góp phần làm nên thương hiệu Hoa tam giác mạch "vạn người mê" của Hà Giang.

Bên cạnh những bộ phim điện ảnh hút khách, Hà Giang còn là nơi lý tưởng để quay những chương trình truyền hình thực tế, gameshow thu hút người xem.

Cuối năm 2022, chương trình ghi hình "2 ngày 1 đêm" - một chương trình truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc phiên bản Việt, đã lên sóng về một Hà Giang đầy cảm xúc với với những hoạt động trải nghiệm và giao lưu với các em nhỏ tại vùng đất này. Riêng tập phát sóng tại Hà Giang đã thu hút hơn 50 triệu lượt xem, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang thân thiện và hùng vĩ đến đông đảo khán giả trên sóng truyền hình và các nền tảng số.

Gần đây nhất, ngay sau khi đại dịch kết thúc, bộ phim Holywood "A Tourist’s Guide to Love" tiếp tục lựa chọn Hà Giang làm bối cảnh quay. Bằng cách lấy những nét đẹp nhất của mỗi địa phương, bộ phim được ví như một bức thư giới thiệu thu hút khách du lịch trên toàn thế giới đến với Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng.

Hoà mình vào dòng chảy của thời đại, Hà Giang cũng xây dựng riêng cho mình một bộ phim quảng bá, giới thiệu về du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn mang tên "Trái tim của đá".

 Quách Beem vì yêu mảnh đất Hà Giang đã viết nên ca khúc "Hà Giang ơi".

Dù chỉ kéo dài trong 7 phút với hình thức giới thiệu thông qua nhân vật trải nghiệm song đoàn làm phim đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện sao cho diễn tả chân thực cuộc sống cũng như kỹ thuật canh tác trên nương đá, kiến trúc nhà, ẩm thực và phong tục tập quán cùng với một số lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông và toàn bộ vẻ đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn mùa hoa Tam giác mạch trên nền nhạc khèn Mông quen thuộc.

Bộ phim đã chính thức hoàn thành vào cuối năm 2017 được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chính thức phê duyệt, xác nhận và công chiếu tại các hội nghị hội đàm hợp tác, quảng bá trên các phương tiện truyền thông của tỉnh.

Bên cạnh những tác phẩm điện ảnh, nhiều MV của các các sỹ Quách Been; Ái Phương; Vũ Thắng Lợi… được lấy bối cảnh ở Hà Giang tạo dấu ấn cho MV và thông qua đó đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất và người Hà Giang tới công chúng.

Có thể nói, hình ảnh Hà Giang qua mỗi thước phim điện ảnh, MV hay chương trình truyền hình thực tế đã góp phần quảng bá hình ảnh Hà Giang đến gần hơn với du khách, đặc biệt trong thời đại công nghệ số ngày nay./.

Nguyễn Huyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực