Hà Giang phấn đấu thu hút 3,2 triệu lượt du khách trong năm 2024

Thứ năm, 07/12/2023 10:05
(ĐCSVN) - Thông tin được đưa ra trong báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của UBND tỉnh Hà Giang, do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày tại phiên họp sáng 6/12, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII.
 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII. (Ảnh: Trang TTĐT đại biểu dân cử tỉnh Hà Giang).

31/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, với nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức so với dự báo, song UBND tỉnh Hà Giang đã linh hoạt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt một số kết quả tích cực.

Tỉnh có 31/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước tăng 5-5,5% so với năm 2022, trong đó: khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,0%; khu vực Công nghiệp, xây dựng tăng 1,6%; khu vực Dịch vụ tăng 7,3%;… GRDP bình quân đầu người ước đạt 36,8 triệu đồng/năm (tăng 3,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2022) và đạt 96,33% kế hoạch.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, ước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ, góp phần quan trọng trong thực hiện huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hồ sơ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch xây dựng được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các dự án trọng điểm, các dự án giao thông có tính kết nối, lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương được đẩy mạnh thi công, nhất là đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: các chương trình MTQG được triển khai tích cực, khẩn trương. Đã hoàn thành phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để thực hiện 03 Chương trình MTQG cho các huyện, thành phố, đơn vị tổ chức thực hiện. Hoàn thành 100% tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch.

Trong năm, Hà Giang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và đảm bảo thời vụ, đa số chỉ tiêu sản xuất đều tăng cao hơn so với cùng kỳ (tăng 5%). Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2023 ước đạt 177.230 ha, tăng 0,07% so với năm 2022; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác ước đạt 62 triệu đồng, tăng 2,8 triệu đồng so với năm 2022. Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 32,8%, tăng 0,8% so với năm 2022 và vượt 0,8% kế hoạch. Hoạt động xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực và tăng trưởng mạnh.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; lượng khách du lịch đến Hà Giang trong năm đạt 3 triệu lượt người, tăng 32% so với năm 2022, vượt 20% kế hoạch. Đặc biệt, Hà Giang được công nhận là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn. Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 cùng nhiều chương trình, sự kiện văn hóa được tổ chức thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh sẽ tập trung quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên, chỉ số PCI năm 2022 tăng so với cùng kỳ; đã đưa 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các hoạt động về chuyển đổi số được triển khai quyết liệt. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm,... có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 7,21%. Trong năm đã thành lập và đưa vào hoạt động Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, công tác tuyển sinh năm đầu đáp ứng được nhu cầu đào tạo của tỉnh.

Tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, đường biên, mốc giới, chủ quyền được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì, phát huy và mở rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu đề ra; còn 5/36 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công còn chậm. Chưa xây dựng được thương hiệu nông sản của tỉnh Hà Giang. Các dịch vụ cao cấp phục vụ khách còn ít, sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng, nguồn lực du lịch còn thiếu…

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bước sang năm 2024, tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo đó, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; vận dụng linh hoạt đối với từng dự án, thủ tục hành chính cụ thể để giải quyết những tồn tại vướng mắc, linh hoạt. Xây dựng và triển khai các Kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm, đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Giám sát chặt chẽ công tác phân bổ kế hoạch vốn của các huyện, thành phố, bảo đảm danh mục dự án đầu tư đúng mục tiêu, đối tượng của 03 Chương trình MTQG và theo đúng thứ tự ưu tiên theo quy định. Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang và hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng y tế.

Tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Hoàn thành các mô hình chuyển đổi số, hệ thống IOC của tỉnh xây dựng ứng dụng công dân số.

Tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; tập trung khai thác, phát triển các nguồn thu tiềm năng, mở rộng cơ sở tính thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Triển khai đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ những tháng đầu năm, trong đó gắn tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao vốn…

Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, tỉnh sẽ tập trung quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Đẩy mạnh xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc…

 Hoa tam giác mạch nở rộ tại Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (huyện Đồng Văn), thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, chụp ảnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm quan trọng để tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn, Hà Giang phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung thực hiện 03 đột phá và 05 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, triển khai đồng bộ hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát triển mạnh du lịch theo hướng bền vững; phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao.

Song song với đó, tích cực tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Phấn đấu có 6/19 chỉ tiêu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 

Ngọc Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực