Những năm tháng tìm đường cứu nước
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, thành lập các cơ sở cách mạng ở Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác với sự đùm bọc, chở che của bà con Việt kiều ở nước ngoài để phục vụ cho cách mạng. Trong những năm tháng hoạt động tại Pháp (1917 - 1923), Người đã tham gia tích cực trong nhóm những người An Nam yêu nước.
Cùng với việc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã vận động hội những người An Nam yêu nước ra tờ báo "Việt Nam hồn" cùng một bài văn vần, cổ động việc ra báo, in thành truyền đơn kêu gọi mọi người mua báo, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho đồng bào mình trên đất Pháp. Hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc đã cuốn hút đông đảo kiều bào tham gia phong trào của "Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, đưa Hội này trở thành một đoàn thể của “Hội Liên hiệp thuộc địa”. Những sách, báo do Nguyễn Ái Quốc biên soạn, in ấn cùng với việc Người tham gia sáng lập và làm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ) đều mang tư tưởng giáo dục tinh thần yêu nước, được truyền về Việt Nam, góp phần khơi dậy tinh thần đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Những năm sau đó, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với nhiều người Việt Nam tại Pháp và đề nghị họ giúp đỡ việc cung cấp tài liệu để tập hợp viết sách, báo tuyên truyền, vận động kiều bào.
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản; tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản.
Trong những năm 1925 - 1927, khi về hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu, chọn ra những người có cùng chí hướng để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925) hoạt động chống lại thực dân Pháp tại Đông Dương và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tháng 6/1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã đến Xiêm (Thái Lan) vào tháng 7 với tên Nguyễn Lai. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc còn sử dụng các tên gọi khác nhau như: Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn để dễ hoạt động. Trong thời gian này, Người tích cực học tiếng Thái và động viên mọi người cùng học để hiểu được truyền thống, phong tục, tập quán của người Thái, thuận tiện cho việc giao tiếp, sinh hoạt. Ngoài ra, Người còn tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở đây để các em không quên nguồn gốc cha ông. Người cũng tham gia các buổi cúng tế của người Việt ở đền Đức thánh Trần (Bản Mạy (làng mới) thuộc tỉnh Nakhon Phanom ở vùng Đông Bắc Thái Lan), nhân đó nhắc nhở mọi người nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức chống giặc ngoại xâm. Nhờ đó, những người gốc Việt nơi đây luôn đoàn kết, gắn bó khiến Bản Mạy trở thành một cộng đồng dân cư bền chặt, ấm cúng. Người còn khuyên mọi người phải biết tôn trọng phong tục, tập quán của người bản địa, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ họ. Bởi vậy, sau này, Bản Mạy trở thành cộng đồng dân cư chung của hai nước Việt Nam và Thái Lan. Ngoài ra, Người đã cùng một số cán bộ cốt cán đi khắp các tỉnh có Việt kiều ở Đông Bắc Thái Lan, liên lạc với những kiều bào yêu nước đang sống và hoạt động tại đây, từng bước vận động và huấn luyện họ thành những cán bộ đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ kiều bào tại Pháp, năm 1946. |
Việc chọn Thái Lan của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là nhiệm vụ “tuyên truyền cách mạng về Việt Nam từ phía Tây”, mà còn để làm “căn cứ” trở về Việt Nam qua đường Lào, bởi nơi đây có hậu thuẫn của hơn một vạn Việt kiều đang làm ăn, sinh sống, đa phần họ là những người Việt Nam yêu nước, đang tạm thời phải lưu lạc để tránh sự truy đuổi gắt gao của thực dân Pháp.
Cuốn sách Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định: “Khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cải trang là thợ mộc từ Xiêm đi vào đất Lào, qua thị xã Pác Xê đi lên Savannakhet tới Xiêng Vang để nắm tình hình về đời sống của nhân dân và sau đó quay trở lại đất Xiêm...”.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn động viên đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi nhân dân sở tại ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Người chỉ ra rằng, đã là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, kể cả kiều bào. Muốn giành được độc lập cho Tổ quốc chỉ có cách toàn dân phải có tinh thần “đại đoàn kết”. Ý tưởng đó của Người đã hình thành Mặt trận Việt Minh, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đây là sức mạnh dân tộc, một lực lượng bách chiến bách thắng trong sự nghiệp chống ngoại xâm - một lực lượng mà người Pháp và cả sau này là người Mỹ đều phải thừa nhận rằng, họ có thể thắng một đội quân, nhưng không thể thắng cả một dân tộc, trong đó có sức đóng góp của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc
Đầu năm 1946, trong Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tấm lòng của kiều bào, tuy ở nơi đất khách quê người, nhưng vẫn dành tình yêu với Tổ quốc, đồng thời, Người khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà” .
Ðặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, động viên kiều bào. Trong các cuộc gặp ấy, Người cảm ơn và đánh giá cao việc kiều bào đã ủng hộ Chính phủ, quyên tiền và thuốc men gửi về giúp Tổ quốc, tạo sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với đất nước Việt Nam; đồng thời bày tỏ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Việt kiều Thái Lan về nước trong chuyến đầu tiên tại
cảng Hải Phòng, ngày 10/1/1960. |
Kết thúc chuyến thăm ngoại giao đầu tiên đến Pháp, chia tay kiều bào về nước, trước khi tàu chuyển bánh, Người giơ tay vẫy chào, như muốn nói với kiều bào: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”. Thật tuyệt vời, bằng sức hấp dẫn diệu kỳ và sự cảm hóa đặc biệt, Người đã để lại trong lòng bà con Việt kiều niềm tự hào cùng sự tin tưởng tuyệt đối vào tiền đồ của dân tộc.
Trên con tàu trở về cùng với Bác Hồ có nhiều trí thức kiều bào, có địa vị, uy tín tại Pháp, họ quyết định từ bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài để về nước tham gia kháng chiến, trực tiếp góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đó là các kỹ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước. Trong số những trí thức Việt kiều yêu nước theo Bác Hồ trở về nước, ông Phạm Quang Lễ được Bác đặt bí danh là Trần Đại Nghĩa - là một giáo sư, nhà bác học, là người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà trí thức lớn khác lần lượt về nước tham gia kháng chiến như các ông: Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ. Những trí thức này được chính quyền cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực, sở trường, góp phần tích cực xây dựng nền móng ban đầu cho các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục còn non yếu của nước nhà, tạo nên thế và lực cùng với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ thành quả là nền độc lập mà Cách mạng Tháng Tám giành được năm 1945 và sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Sau này, phần lớn những người trí thức Việt kiều yêu nước đều thành danh, được nhân dân ta kính trọng, tên của họ được đặt trên các đường phố của Việt Nam để thế hệ mai sau tôn vinh mãi mãi.
Trong những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “nhớ đến kiều bào ở hải ngoại, đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc”. Người thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, động viên và căn dặn kiều bào ở nước ngoài phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua học hỏi, thương yêu giúp đỡ và cùng nhau tiến bộ, luôn một lòng ủng hộ Tổ quốc, đồng thời mở rộng tình thân thiện giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới...
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các cháu thiếu nhi Việt kiều ở Pháp, tại khách sạn Royal Manceau, ngày 23/6/1946. |
Ðể giúp đỡ kiều bào, Người nhắc nhở các cán bộ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài phải luôn quan tâm tới doanh nhân, trí thức, bà con kiều bào - những người con xa xứ - từ lời nói đến việc làm, bất kỳ việc to hay nhỏ đều nhớ “đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam”.
Sau ngày hòa bình lập lại tại miền Bắc, nhiều kiều bào có mong muốn được trở về quê hương, tham gia xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ðảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón tiếp kiều bào về nước. Ngày 10/1/1960, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng trực tiếp đón chuyến tàu đầu tiên đưa những người con xa xứ trở về đất mẹ, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của Người cũng như của Đảng và Chính phủ đối với những người Việt Nam sống xa quê hương.
Kiều bào chung tay góp sức xây dựng quê hương
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên đặt cầu nối giúp kiều bào hướng về Tổ quốc. Ðể giúp đỡ kiều bào về nước xây dựng đời sống mới, Người chú trọng những vấn đề cụ thể cho tương lai của kiều bào, như việc bố trí nơi ăn, ở, việc sử dụng hợp lý khả năng chuyên môn của từng người..., cả trường học cho con em của kiều bào. Người thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp chính quyền: “Kiều bào về đến địa phương nào, thì cán bộ và nhân dân ta ở đó cần phải hết lòng giúp đỡ kiều bào, đúng như Ðảng và Chính phủ đã chỉ thị”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các trí thức tại Pháp trên bãi biển Biaritzz, mùa hè năm 1946.
|
Năm 1969, mặc dù tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm đặc biệt đối với kiều bào. Người đã hai lần gửi thư cho kiều bào ta ở Cộng hòa Pháp. Trong bức thư ngày 27/01/1969, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn nhiều gian khổ hy sinh, nhân dân ta nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà. Mong các cụ và anh chị em cố gắng hơn nữa, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Pháp anh em… Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh”.
Ngày 13/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tiếp một bức thư gửi Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Người nhấn mạnh: “…Từ trước tới nay, kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác tuy xa quê hương vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào Thái Lan tại Phủ Chủ tịch, năm 1960. |
Ngày thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều là một sự kiện rất quan trọng nói lên ý chí của kiều bào ta quyết tăng cường đoàn kết, hưởng ứng đồng bào trong nước trong giai đoạn quyết liệt hiện nay để đánh thắng hoàn toàn đế quốc xâm lược. Tôi tin rằng Hội Liên hiệp Việt kiều sẽ hoạt động tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Việt kiều góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” nâng cao tinh thần đoàn kết thương yêu nhau trong kiều bào và tình hữu nghị với nhân dân Pháp.
Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới các vị trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều, tới tất cả các chi hội và hội viên, tới Hội Liên hiệp Phụ lão, Hội Liên hiệp Công nhân, Hội Liên hiệp Công thương, Hội Liên hiệp Trí thức, Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam và toàn thể kiều bào yêu nước ở Pháp. Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi nhiều cái hôn thắm thiết. Chào thân ái và quyết thắng”.
Bằng sự gần gũi thân mật, cùng với những dặn dò, chỉ bảo trong các lần gặp gỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho kiều bào vô cùng xúc động, ai nấy đều nhận rõ và ý thức sâu sắc về trách nhiệm, gắn bó với Tổ quốc, đoàn kết, hội nhập và thân thiện, thực hiện đúng lời dạy của Bác khi Người đến thăm nước Pháp năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam, thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh em công binh, lính thợ Việt Nam tại Marseille (Pháp),
ngày 17/9/1946. |
Kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước; đồng thời, mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự tôn và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.