Nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đường lối ngoại giao trong tình hình mới

Thứ ba, 19/03/2024 08:35
(ĐCVSN) - Năm 2024 kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) về những thành công nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời gian vừa qua, cũng như đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2023 và đầu năm 2024, Việt Nam chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao sôi động, ông có thể cho biết những dấu ấn thành công và ý nghĩa nhất của ngoại giao trên cả phương diện song phương và đa phương này là gì? Quan điểm của ông về yếu tố nào làm nên thành công của đường lối đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Thưa các bạn! Có thể nói năm 2023 và đầu năm 2024 để lại nhiều dấu ấn sôi động về đối ngoại với nhiều sự kiện nổi bật. Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên với những bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện (mức quan hệ ngoại giao cao nhất) với 3 nước (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc).

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc (LHQ), ASEAN. Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, đóng góp tích cực vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ… Uy tín của Việt Nam liên tục tăng lên mà bằng chứng là Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc, như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế… Đến nay, Việt Nam là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác đối ngoại và ngoại giao từ sau Đại hội XIII đến nay, trong đó nổi bật là năm 2023, đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. Yếu tố làm nên thành công trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; sự thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng của người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Phóng viên: Thưa ông, xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn…, hợp tác kinh tế khu vực, quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới. Trong thế giới đầy biến động của năm 2024, theo ông chiến lược “ngoại giao cây tre” trong kinh tế có phải là một trong những ưu tiên trong năm 2024 không?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Đúng vậy, xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn…, hợp tác kinh tế khu vực, quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội mới để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, Việt Nam được cộng đồng các nước trên thế giới đánh giá là một quốc gia có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các chỉ số về kinh tế, xã hội, năng lực cạnh tranh; Việt Nam trở thành trung tâm tái tạo năng lượng, điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam ngày càng được thế giới quan tâm và đánh giá cao: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo, nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam. Điều cần thiết là, Việt Nam phải cụ thể hóa “ngoại giao cây tre” trong kinh tế. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động năm 2024, IMF khuyên các quốc gia đang phát triển cần thực hiện chính sách “uốn cong” để thu hút dòng vốn quốc tế. Trong văn hóa người Việt, chính sách “uốn cong” của IMF chính là chiến lược “ngoại giao cây tre” trong kinh tế cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Việt Nam có thể tận dụng, xây dựng thành công mô hình “Kinh tế hòa bình” trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất ổn trong năm 2024.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo và các thành viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc nhân chuyến thăm chính thức Úc đầu tháng 3/2024.

Phóng viên: Năm 2023 và đầu năm 2024, ngoại giao Việt Nam với nhiều hoạt động rất sôi động và thành công, ông đánh giá như thế nào về đường lối đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Các nước đang nhìn Việt Nam với một vị thế khác, với một cái nhìn thân thiện và mến mộ. Giáo sư, Tiến sĩ Bharti Chhibber, chuyên gia về Việt Nam, cho rằng trường phái “ngoại giao cây tre” cùng với chính sách đối ngoại linh hoạt đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế trong năm 2023. Số lượng lớn các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác chiến lược và láng giềng đã tạo dựng lòng tin và củng cố hợp tác trên các lĩnh vực rộng lớn hơn.

Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Úc từ ngày 8 - 9/3/2024, Việt Nam và Úc nâng mức quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra cho mối quan hệ gần gũi, tin cậy và thân thiết hơn giữa Việt Nam và Úc. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước (có 05 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ) đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện….cho thấy sự thành công của chính sách đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là đường lối đối ngoại - ngoại giao cây tre đặc sắc. 

Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Phóng viên: Theo ông, trong những năm tới, đường lối đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” sẽ phát triển và tạo ra sức ảnh hưởng thế nào trong tương lai?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Tôi nghĩ rằng trong những năm tới, đường lối đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” sẽ phát triển và tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với các nước trên thế giới. Đúng như đánh giá của giới chức Úc sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam là quốc gia thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước, có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Đó là điều mà các quốc gia khác nên học hỏi từ Việt Nam. Nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại. Đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là một hình mẫu mới, đặc sắc để các nước học hỏi, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang phải trả giá đắt về xương máu, môi trường, tiền của… chìm đắm trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự...

Phóng viên: Là một doanh nhân Việt kiều, ông có cảm nhận, đánh giá như thế nào về đường lối, chính sách ngoại giao của Việt Nam?

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng): Tôi là một kiều bào ở Úc. Tôi về Việt Nam từ những năm 1990; hơn 30 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, tôi chứng kiến nhiều sự thay đổi vượt bậc của Việt Nam. Tôi thấy nền ngoại giao Việt Nam luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác Hồ, thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc cơ bản được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát là: “vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt". Chính thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại, nên đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phóng viên: Với chính sách dành cho kiều bào hiện nay, theo ông, làm thế nào để huy động, phát huy nguồn lực kiều bào trí thức và doanh nhân để đóng góp vào phát triển cho đất nước?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Tôi đã có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn trên các báo, đài về đề xuất các giải pháp để huy động, phát huy nguồn lực kiều bào, trí thức và doanh nhân đóng góp vào phát triển cho đất nước. Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trên sở các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Đề án; đề nghị các cấp, các ngành bám sát các trọng tâm phát triển của đất nước, triển khai thực hiện một cách cụ thể, thiết thực; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến kiều bào, chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của kiều bào… Có như vậy kiều bào mới thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên: Năm 2024 kỷ niệm 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa tinh thần của Nghị quyết này trong bối cảnh mới hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Huệ: Có thể nói năm 2024 là năm bản lề cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị bước sang một trang mới. Việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là dịp để các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đánh giá một cách khách quan những ưu điểm hạn chế, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thiết thực để phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới; tiếp tục khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối, chính sách, nhất là chính sách đối ngoại, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng được sát, đúng. Việc nhìn nhận, đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài góp phần làm rõ hơn tính ưu việt của  nền “ngoại giao cây tre” trong tình hình mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông luôn mạnh khỏe, cùng với Ban Chấp hành BAOOV xây dựng Hiệp hội ngày càng phát triển!

 
Hoàng Tám- Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực