Đoàn kết là sức mạnh để xây dựng các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh

Thứ ba, 16/07/2024 09:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
​(ĐCSVN) - Cùng việc tích cực tham gia các hoạt động hội đoàn, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, Bà Phạm Thị Minh Hường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Tổng Giám đốc Công ty Khai thác Khoáng sản Sakai tại Viêng Chăn, Lào đã cùng cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Lào luôn đoàn kết, sáng tạo góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào ngày càng bền vững.

PV: Đề nghị bà cho biết thực trạng hoạt động cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng của Lào đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hiện nay?

Bà Phạm Thị Minh Hường: Hiện nay, số lượng doanh nghiệp người Việt Nam ở Lào hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng và khoáng sản, nông nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông, khách sạn, xây dựng, bất động sản. Hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đều chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của Chính phủ Lào, đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước.

  Bà Phạm Thị Minh Hường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Tổng Giám đốc Công ty Khai thác Khoáng sản Sakai tại Viêng Chăn, Lào

Về thuận lợi, Việt Nam và Lào có quan hệ hữu nghị, hợp tác và đoàn kết đặc biệt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào. Hơn nữa, Lào là một thị trường tiềm năng với dân số trẻ và đang phát triển. Hiện nay, Chính phủ Lào đang có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giá trị gia tăng của một số ngành kinh doanh,... Hạ tầng giao thông được cải thiện. Chính phủ Lào đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời, Chính phủ hai nước Việt - Lào đang đẩy mạnh việc triển khai hoạt động hợp tác, kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố với nhau, nhất là các tỉnh, thành phố trọng điểm, giáp biên trên lĩnh vực kinh tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào.

Về khó khăn, trước hết là do sự khác biệt về văn hóa, luật pháp. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ văn hóa, luật pháp của Lào để tránh những mâu thuẫn và rủi ro trong quá trình hoạt động. (2) Cơ sở hạ tầng còn hạn chế: Một số khu vực ở Lào còn thiếu cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. (3) Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu: Lào còn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. (4) Chính phủ Lào cần cải cách các thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp. (5) Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. (6) Doanh nghiệp Việt Nam chưa có đầy đủ thông tin về thị trường Lào, dẫn đến việc lựa chọn sai lĩnh vực đầu tư. (7) Sự cạnh tranh ngày càng cao với doanh nghiệp các nước, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đối mặt với những thách thức và rủi ro khi đầu tư vào Lào.

PV: Xin bà cho biết thực trạng triển khai các chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ, chính quyền địa phương Lào đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào nói chung và các tỉnh của Lào có chung đường biên với Việt Nam nói riêng? những lĩnh vực nào tại Lào có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh?

Bà Phạm Thị Minh Hường: Hiện nay, Chính phủ Lào ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam. Các chính sách này thể hiện qua Luật Đầu tư (Quy định chung về đầu tư nước ngoài, bao gồm các lĩnh vực ưu tiên, thủ tục cấp phép, ưu đãi thuế, giải quyết tranh chấp...); các nghị định, quyết định (việc bổ sung, quy định chi tiết cho Luật Đầu tư về các lĩnh vực cụ thể, thủ tục hành chính,...) và Hiệp định song phương.

Bà Phạm Thị Minh Hường và Đoàn doanh nhân kiều bào tiếp kiến Thủ tướng CHDCND Lào, Sonexay Siphandone tại Văn phòng Chính phủ Lào (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Chính phủ Lào có những ưu đãi dành cho doanh nghiệp Việt Nam: (1) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian nhất định. (2) Giảm thuế thu nhập cá nhân cho lao động Việt Nam. (3) Miễn thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng xuất khẩu. (4) Cho phép sở hữu đất đai với thời hạn lâu dài. (5) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị.

Đối với các tỉnh Lào có chung đường biên với Việt Nam Chính phủ Lào có thêm các chính sách ưu đãi riêng để thu hút đầu tư từ các tỉnh biên giới Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường.

Bên cạnh đó, Lào là một thị trường tiềm năng với dân số trẻ và đang phát triển, nên có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, đầu tư với Lào trên các lĩnh vực, đặc biệt là hỗ trợ, giúp đỡ, đầu tư, hợp tác với Lào phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời, thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế hành lang kinh tế Đông - Tây, nhất là vùng biên giới Việt Lào, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân vùng biên, bảo đảm an ninh an toàn trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam thành công tại Lào, Bà có sáng kiến gì để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sự hiện diện, sức ảnh hưởng tại Lào?

Bà Phạm Thị Minh Hường: Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc. Để gia tăng sự hiện diện, sức ảnh hưởng tại Lào, doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần (1.) Tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương trong tìm hiểu thông tin thị trường, chính sách đầu tư, thủ tục hành chính,...; Tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và kết nối với đối tác tiềm năng; hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp uy tín, trách nhiệm. (2.) Nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của Lào. (3.) Mở rộng hoạt động marketing bằng nhiề hình thức để quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng Lào và bạn bè quốc tế. (4.) Tận dụng triệt để các ưu đãi của chính phủ Lào. (5.) Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Lào để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và mở rộng thị trường, thực hiện các dự án đầu tư lớn.

Đoàn kiều lãnh đạo kiều bào Việt tại Lào và bà Phạm Thị Minh Hường trao tặng tiền xây dựng toà nhà thuộc Bộ công Thương Lào (đây là một trong nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện của kiều bào Việt tại Lào và bà Phạm Thị Minh Hường) (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

PV: Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), bà có đề xuất giải pháp gì để xây dựng các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) nói riêng vững mạnh, ngày càng phát triển.

Bà Phạm Thị Minh Hường: Theo tôi, đoàn kết vẫn là mấu chốt của sự thành công. Bác Hồ nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhiều cần phải quán triệt tốt phương châm này là sẽ phát triển lớn mạnh. Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hội tụ nhiều doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào thành công, có tên tuổi ở các nước trên thế giới. Mỗi người có một thế mạnh, nên Ban Chấp hành Hiệp hội cần phân công, phân nhiệm từng vị trí cụ thể; đồng thời mỗi cá nhân cần đề cao trách nhiệm trong các hoạt động của Hội… Có như vậy, thì Hiệp hội mới phát triển vững mạnh, thực sự là mái nhà chung cho cộng đồng doanh nhân kiều bào trên thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà Phạm Thị Minh Hường đã tham gia cuộc phỏng vấn đầy ý nghĩa. Chúc Bà và cộng đồng người Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào luôn đoàn kết, sáng tạo, làm ăn phát đạt, tạo chuỗi giá trị mới, góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào ngày càng bền vững./.

Hoàng Tám - Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực