PV: Thưa ông, là một doanh nhân kiều bào thành công trong sự nghiệp kinh doanh ở Nga, xin ông chia sẻ và cho biết hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga hiện nay?
Ông Dương Chí Kiên: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Liên bang Nga khoảng 80 nghìn người, trong đó hơn 70% sinh sống tập trung tại các thành phố lớn… Phần lớn người Việt Nam hoạt động buôn bán quy mô vừa và nhỏ tại các trung tâm thương mại. Hoạt động kinh tế cộng đồng đến nay khá đa dạng, phát triển, có nhiều doanh nhân đầu tư trở lại Việt Nam vào nhiều lĩnh vực với quy mô lớn và kết quả khả quan. Hệ sinh thái các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga rất phong phú với các lĩnh vực kinh doanh đa dạng nhưng mục đích chính vẫn là phục vụ các mặt hàng, nhu yếu phẩm cho người dân Nga. Số lượng doanh nghiệp người Việt Nam ở Nga khoảng 50.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp cá thể, vì mỗi một gia đình, một hộ dân Việt Nam ở Nga đều có thể là một doanh nghiệp ở từng lĩnh vực và địa phương. Các doanh nghiệp lớn đa phần sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm; trung tâm thương mại ngay tại Thủ đô Mátxcơva; hệ thống nhà hàng Việt Nam hoặc cửa hàng thực phẩm châu Á; trong đó, các xí nghiệp, xưởng sản xuất hàng may mặc vừa và nhỏ để cung ứng hàng cho các trung tâm thương mại các địa phương... Ngoài ra, có kiều bào kinh doanh hàng vải may mặc ở các trung tâm thương mại hoặc các chợ ở các tỉnh. Có một số kiều bào đã định cư lâu ở Nga thì mở những cửa hàng tiện ích bán các nhu yếu phẩm. Nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga hiện nay đang hoạt động khá tốt, một số doanh nghiệp hoạt động rất tốt.
Do ảnh hưởng của tình hình hiện tại, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để bắt nhịp với sự thay đổi của thị trường. Doanh nghiệp nhanh nhạy, biết sáng tạo, đổi mới thì kết quả sẽ tốt hơn.
|
Ông Dương Chí Kiên đã được nhận giải thưởng "Sư tử vàng" của Ủy ban Đối ngoại
Xanh - Pê-téc-bua trong lĩnh vực quốc tế và hợp tác liên vùng vì đã có đóng góp hiệu quả vào sự phát triển quan hệ đối ngoại của Xanh - Pê-téc-bua với các đối tác nước ngoài và khu vực. |
PV: Xin ông cho biết sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng của Nga đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga hiện nay? Những thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam tại Nga?
Ông Dương Chí Kiên: Đại đa số các doanh nghiệp người Việt ở Nga luôn làm việc tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước Nga, như: Giấy phép kinh doanh, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng hàng hóa… Ở Nga, luật kinh doanh rất thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chính phủ Nga đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện không chỉ cho các doanh nghiệp của Nga mà còn đối với các doanh nghiệp của nước ngoài cũng như của Việt Nam hoạt động tại đây vì mục tiêu chung tay xây dựng một thị trường ổn định, cung cấp đủ nhu cầu hàng hóa cho nước Nga trong tình hình hiện nay. Đây chính là thuận lợi chung đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam. Ví dụ như: Hiện nay các doanh nhân Việt Nam không cần phải có quốc tịch Nga cũng có thể mua được bất động sản ở Nga để sử dụng vào công việc kinh doanh. Việc đóng thuế doanh nghiệp rất đơn giản, rẻ và hợp lý. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh thuế trên doanh thu (6%/doanh thu hoặc 7% -15/doanh thu trừ chi phí). Điều này giúp cho cộng đồng người Việt tin tưởng và tự tin hơn trong kinh doanh tại Nga và không mất thời gian để làm các thủ tục xin giấy phép, khai báo thuế; có thời gian và sức lực để tập trung vào sản xuất, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường để tạo được doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xảy ra xung đột Nga - Ucraina, sự cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt đối với nền kinh tế và tài chính Nga, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các tuyến logistics bị đình trệ…, khó khăn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, vấn đề về logicstic và thanh toán. Do chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên hàng hóa đi lâu hơn, chi phí cao hơn. Các vấn đề thanh toán khó hơn làm cho giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao.
Đối với các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn do rất ít các đường bay thẳng, giá cao và có một số nghi ngại về vấn đề an ninh, an toàn do xung đột quân sự Nga - Ucraina, sự cấm vận của Mỹ và các nước EU gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, với xu hướng phát triển và định hướng của chính quyền sở tại, mô hình kinh doanh chợ (nơi tập trung số đông tiểu thương người Việt kinh doanh) dần được thay bằng các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại hơn, nhất là thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và bà con tiểu thương có hoạt động kinh doanh tại Nga phải dần hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, đầu tư có chiều sâu… Hơn thế, đồng Rup biến động mạnh, vật giá leo thang… cũng khiến sức mua của thị trường giảm sút, nguy cơ lạm phát lớn...
PV: Thưa ông, “Tuần Việt Nam” tại Xanh - Pê-téc-bua được tổ chức nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890 - 19/5/2024) mang ý nghĩa gì cho quan hệ Nga - Việt Nam, cho cộng đồng kiều bào và doanh nghiệp?
Ông Dương Chí Kiên: Đây không phải là lần đầu tiên Thành phố Xanh - Pê-téc-bua tổ chức "Tuần Việt Nam". Đây là một hoạt động truyền thống ở cấp thành phố mà chỉ được tổ chức ở cố đô của nước Nga. Qua sự kiện này, thấy rằng Việt Nam luôn là một đối tác chiến lược và toàn diện, thực sự quan trọng trong chiến lược phát triển ngoại giao, đối ngoại của Nga. Điều này nói lên hai điểm: Thứ nhất, Việt Nam là một người bạn thân thiết của Nga không những về văn hóa, lịch sử mà còn về kinh tế. Việt Nam là một nước đang phát triển nhanh, ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong các nước ASEAN. Nước Nga muốn qua Việt Nam để hướng sang châu Á, đặc biệt thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN ngày càng phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Mặt khác, tinh thần tự cường, tự lực, yêu dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối ngoại giao rộng mở và con đường phát triển của Việt Nam là một hệ thống các giá trị tư tưởng và mô hình mà một nước lớn như nước Nga bây giờ đang rất chú ý và mong muốn học hỏi. Đây là điều đáng tự hào cho người dân Việt Nam chúng ta.
|
(từ trái qua phải) Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân
Việt Nam ở nước ngoài; ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Cộng đồng
người Việt Nam tại Liên bang Nga; Nguyên Phó Chủ tịch nước
Trương Mỹ Hoa; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi
và phu nhân; Doanh nhân Dương Chí Kiên chụp ảnh lưu niệm
tại Tượng đài Bác Hồ nhân "Tuần Việt Nam" từ 19 - 23/5/2024
kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19/5/1890 - 19/5/2024). |
Văn hóa, tâm hồn và những tình cảm cao đẹp không bao giờ phai mà người dân nước Nga dành cho Việt Nam, đặc biệt thông qua “Tuần Việt Nam” tại Xanh - Pê-téc-bua lại càng nhắc nhở những người Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở Nga nói chung, ở Xanh - Pê-téc-bua như chúng tôi nói riêng càng phải cố gắng, chứng tỏ thực sự là những sứ giả ngoại giao, tiếp tục xây dựng quan hệ Việt - Nga ngày càng tốt đẹp, nhất là với nhân dân Nga, cộng đồng doanh nghiệp Nga.
PV: Thông qua hoạt động ngoại giao Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, ông có mong muốn, đề xuất gì với chính phủ Nga - Việt Nam trong nâng cao cán cân quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới?
Ông Dương Chí Kiên: Vấn đề về thanh toán song phương, hiện nay giữa Việt Nam và Nga đã có định chế để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam và Nga đã có Hiệp ước về thông qua một vùng thuế chung rất tốt. Bây giờ chỉ cần đẩy mạnh vấn đề thanh toán. Hiện có ngân hàng liên doanh Việt - Nga nhưng chưa thực hiện được hết và đầy đủ mục đích, nghĩa vụ, trách nhiệm để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga trong thúc đẩy kinh doanh. Mong muốn của cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Nga là hai Chính phủ tăng cường hợp tác, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tiếp cận được nhiều hơn với nguồn cung ứng nhân lực từ Việt Nam, giảm thiểu các thủ tục nhập cư cũng như các yêu cầu về ngôn ngữ, văn hóa sao cho phù hợp với từng tính chất ngành nghề, công việc. Đồng thời, rất mong hai nước mở thêm đường bay thẳng kết nối giữa các trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch hai bên, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển; tìm cách mở tuyến vận tải đường biển thẳng giữa TP Hải Phòng với TP Vladivostok (trong chiến tranh, tuyến này được Nga và Việt Nam vận tải hàng hóa qua lại) để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa Việt Nam vào Nga so với các nước. Đó là một trong những khó khăn về tăng cường hợp tác thương mại và nâng cao cán cân thương mại Việt Nam - Nga, nếu giải quyết tốt các vấn đề trên, cán cân thương mại Việt - Nga sẽ được nâng lên trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn đầy ý nghĩa. Chúc ông và cộng đồng người Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nga luôn đoàn kết, phát triển, tạo chuỗi giá trị mới, góp phần xây dựng mối quan hệ Việt - Nga ngày càng bền vững./.
Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga được thành lập năm 2008. Hiện nay, có 50 doanh nghiệp là hội viên. Ông Lê Trường Sơn là Chủ tịch Hội. Hội viên là các doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bất động sản, sản xuất, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại, logistics…, hoạt động trên khắp các vùng miền thuộc lãnh thổ Liên bang Nga. Mục đích hoạt động của Hiệp hội (1.) Liên kết các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga nhằm xây dựng và nâng cao vị thế cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; làm cầu nối, đầu mối xúc tiến và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước. (2.) Hỗ trợ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam mọi ngành nghề và quy mô trên thị trường Nga, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, hợp tác và kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với pháp luật sở tại. (3.) Tăng cường thu hút doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, doanh nghiệp Nga và nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế hai nước. (4.) Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường hàng hóa, đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, đóng góp cho kinh tế Nga và Việt Nam. |