Phát huy vai trò của BAOOV trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp

Thứ ba, 26/12/2023 16:05
(ĐCSVN) - Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và Hội doanh nhân Việt Nam ở các nước đã và đang đề cao vai trò trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/82021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024”, nhất là trong thời điểm hiện nay Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1334 ngày 10/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và hội doanh nhân Việt Nam ở các nước đã và đang đề cao vai trò trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Starpost của Vietjet về vận tải
hàng không 

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và gần hai triệu người là thế hệ F2, F3 có quốc tịch nước ngoài (có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam) đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Đặc biệt, có khoảng 500.000-600.000 doanh nhân, trí thức, chuyên gia có trình độ cao (chiếm 10-12% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài). Hiện có 35 hội, hiệp hội doanh nhân kiều bào; 46 tổ chức hội, đoàn, viện, nhóm, mạng lưới cộng đồng người Việt Nam được thành lập và tổ chức hoạt động ở các quốc gia trên thế giới. 

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 373/QĐ-BNV ngày 13 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nội vụ; đến nay Hiệp hội đã thu hút được gầm 400 hội viên là doanh nhân kiều bào đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với khoảng 94.000 doanh nghiệp hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, logistics, dịch vụ, xây dựng, nhà hàng, khách sạn…. Các hội đoàn và cộng đồng doanh nhân kiều bào là là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ; là cầu nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam với các nước, nguồn lực đáng kể đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước …góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Phát huy tốt vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản từ Việt Nam sang các nước trước mắt phục vụ nhu cầu của hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, sau đó lan tỏa ra người dân các nước.

Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trên thế giới; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới; kêu gọi, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án phát triển tại Việt Nam. Hiệp hội và hội doanh nhân Việt Nam ở các nước đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại với nhiều quy mô và đạt hiệu quả thiết thực, thu hút hàng trăm lượt các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước tham gia với các bản ghi nhớ hợp tác giá trị hàng trăm triệu đô la. Tiêu biểu: Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất tại Seoul/Hàn Quốc (2019), Hội nghị Xúc tiến Thương mại Thái Lan - Việt Nam quốc tế mở rộng (2019); Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu tại tại Ba Lan (2019); Chương trình kết nối Doanh nghiệp Malaysia - Việt Nam và các nước; Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam -  Lào (2022); Lễ kỷ niệm 4 năm Ngày thành lập Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBIZ); xúc tiến thương mại và đầu tư hai chiều ngành thực phẩm và nông nghiệp giữa Việt nam và Malaysia (2022); Ngày hội hàng Việt Nam chất lượng cao tại Melbourn, Úc; Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm Việt Nam lần thứ nhất tại Đài Loan (8/2023); Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu tại tại Hungary (9/2023); Diễn đàn Kinh tế kiều bào toàn cầu lần II tại Nhật Bản (10/2023); Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar (11/2023); Ngày doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản (11/2023); và các hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư do Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh thành tổ chức. Đặc biệt, Hiệp hội đã chủ trì tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại thu hút các doanh nghiệp kiều bào hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ (13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 10 bang Hoa kỳ) nhằm phát huy nguồn lực kiều bào vào Đồng bằng sông Cửu Long với tổng giá trị các thỏa thuận hợp tác gần 100 triệu đô la. 

Từ năm 2019, Hiệp hội đã chủ động hợp tác thành lập, phát triển hệ thống Trung tâm xúc tiến và trưng bày, giới thiệu, xuất khẩu hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực. Đến nay, đã thành lập được 07 trung tâm xúc tiến thương mại và trưng bày hàng Việt Nam chất  lượng cao tại Hàn Quốc (VINAKA) (2019); tại Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Nga (2020); tại Úc (2021); tại Trung Quốc (2022). Nhiều công ty của kiều bào, hệ thống shop hàng Việt tại các nước đã “âm thầm” lặng lẽ đưa hàng trăm Containers hàng nông sản của Việt Nam với hàng trăm mặt hàng vào các thị trường khó tính, chặt chẽ về chất lượng (Nhật, Mỹ, Châu Âu...)  bán và tiêu thụ. Tiêu biểu như Trung tâm thương mại hàng Việt Nam tại các nước ở Châu Âu, Mỹ; hệ thống Xuân Shop tại Nhật Bản, Công ty XNK JUMI, Gian hàng trưng bày và quảng bá hàng Việt tại Đài Loan; hệ thống các cửa hàng tiện ích tại Ulanbato (Mông Cổ); không gian trưng bày gian hàng quốc gia Việt Nam tại Sơn Đông, Trung Quốc...

Tuy nhiên, trong quá trình kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam theo Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ còn một số hạn chế, đó là: (1.) Hàng hóa, nhất là nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chất lượng còn kém (một số đơn vị cung cấp nguồn hàng xuất khẩu không tuân thủ các quy định trong thương mại, còn trà trộn hàng kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ....); (2.)Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippin còn kém cả về mẫu mã, chất lượng, thương hiệu và giá cả; (3.) Một số sở công thương, sở nông nghiệp; các hợp tác xã và hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giới thiệu, cung ứng nguồn hàng cho các doanh nghiệp kiều bào xuất khẩu (Ví dụ: Kiều bào có đơn hàngmột số loại nông sản với số lượng lớn nhưng không có nguồn hàng cung...); (4.) Việc sơ kết, biểu dương khen thưởng hàng năm trong thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ chưa được trú trọng; khen thưởng mới chỉ dừng lại ở cấp Hiệp hội, hội; chưa có khen thưởng ở cấp chính quyền địa phương, thành phố; cấp bộ và Chính phủ.

Để tăng cường và phát huy hiệu quả vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thông tin truyền thông các Hiệp hội, hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chủ động cung cấp thông tin về chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền mục đích ý nghĩa, giá trị của việc kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam, thực hiện hiệu quả Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024” đến các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở các nước trên toàn thế giới. 

Hai là, Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao, nhất là các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài theo Đề án 1797; tập hợp và khuyến khích, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào tích cực đưa hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng chủ lực (nông, hải sản) xuất khẩu, tiêu thụ vào các nước một cách thuận lợi nhất.

Ba là, các địa phương tăng cường khuyến khích, có chính sách và cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp kiều bào nói riêng trong tham gia thực hiện Đề án 1797, đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới tiêu thụ (ưu đãi về thuế...). Động viên, khen thưởng kịp thời các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích đưa được nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Bốn là, tăng cường gắn kết doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam: Phối hợp với các chuỗi phân phối ở một số nước tổ chức các hoạt động Tuần hàng Việt Nam với hình thức đa dạng, liền mạch tạo ấn tượng tốt đối với các nhà nhập khẩu, phân phối của nước sở tại. 

Năm là, tăng cường kết nối doanh nhân trong và ngoài nước thông qua kênh thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, hội doanh nhân Việt Nam ở các nước với cơ sở dữ liệu của hàng chục nghìn doanh nghiệp, tạo công cụ, phương tiện truyền thông và kết nối hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thời đại để góp phần củng cố mối liên hệ giữa các doanh nhân Việt kiều trên toàn cầu với Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.

Sáu là, tăng cường tiếp thu các ý kiến đóng góp của giới doanh nhân, trí thức kiều bào giúp phát triển xây dựng đất nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, góp phần thu hút bà con Việt kiều về đầu tư kinh doanh trong nước

Bảy là, cần có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ trong chuẩn bị sơ, tổng kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2020-2024; đồng thời đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án trong những năm tới.

Tám là, đề nghị Chính phủ phân công, phân nhiệm các bộ, các cơ quan chức năng ( cả chủ trì và phối hợp) trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài, trọng tâm là Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ một cách cụ thể, rõ ràng, sát với chức năng, nhiệm vụ; tránh chồng chéo hoặc chưa rõ chức năng, nhiệm vụ. Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả của Hiệp hội, hội doanh nhân Việt Nam, cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài, góp phần thiết vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới./.

 

Peter Hồng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng
Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực