Kỳ vọng nhiều chính sách KHCN được đưa vào cuộc sống

Thứ tư, 07/06/2023 12:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 7/6, đại biểu Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đánh giá khách quan về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng khoa học & công nghệ của Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nội dung chất vấn trọng tâm, trọng điểm

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) rất cầu thị. Các vấn đề khoa học công nghệ thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, đã có tới hơn 100 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cho hay, các đại biểu đặt câu hỏi rất thẳng và rất khó, không chỉ mang tầm chiến lược mà còn đặt vấn đề về cách thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học hiện nay. “Phải nói hiện nay công tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam chưa tốt, còn nhiều vấn đề chứ không phải chỉ do Bộ KH&CN. Tuy nhiên, khi trả lời thì tất cả sức ép đặt lên vai Bộ trưởng, bởi vậy cần có sự thông cảm. Tuy nhiên, còn có những vấn đề nóng mà cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm hiện nay như vấn đề về quỹ, vốn đưa ra nhưng dàn trải, manh mún không có chiến lược là cái cần thay đổi", đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá.

Cũng theo đại biểu, chúng ta đã lập Quỹ phát triển KH&CN để thu hút tư nhân nhưng hiện nay lực lượng tư nhân tham gia không có. Cho đến bây giờ, Quỹ hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, tư nhân tham gia vào quỹ đầu tư và tham gia nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tế về sản xuất là không có. Đó cũng là một cản trở về năng suất lao động, vì rất nhiều người tin rằng nếu không phát triển năng suất lao động, không đưa năng suất lao động vào sản xuất thì khó tăng năng suất lao động.

“Đây là vòng quẩn quanh, là đề tài nóng mà cử tri quan tâm nhưng để giải quyết, tháo gỡ thì không phải công việc riêng của Bộ KH&CN”, đại biểu nêu rõ.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: Bích Liên

Đánh giá về phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội, đại biểu cho biết, Chủ tịch Quốc hội điều hành rất sát. Qua phần chất vấn của các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội luôn lắng nghe và ghi chính xác những câu hỏi của đại biểu; những câu hỏi chưa được trả lời hoặc Bộ trưởng trả lời chưa trúng đã có sự điều hành để Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm những vấn đề đại biểu đặt ra. Thậm chí, Chủ tịch Quốc hội còn chủ động dành thêm thời gian để Bộ trưởng trả lời những vấn đề quan trọng khi đại biểu đưa ra.

Chủ tịch Quốc hội điều hành rất sát và nắm chắc vấn đề trọng tâm cũng như tính thời sự của vấn đề cử tri, đại biểu đưa ra. “Tôi nghĩ lần giám sát này rất hay, chất vấn không phải chỉ nêu câu hỏi, làm khó Bộ trưởng trả lời, vấn đề là để Tư lệnh ngành xem xét lại, những việc gì làm được, chưa làm được để lập chiến lược trong thời gian tới”, đại biểu Bình Dương nhấn mạnh.

Kỳ vọng chính sách KH&CN được đưa vào cuộc sống

Kỳ vọng nhiều chính sách về KH&CN được đưa vào cuộc sống, đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) cho biết, phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&CN rõ ràng, các đại biểu đặt câu hỏi tổng quát cụ thể từ những vướng mắc của địa phương. Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp; từ đó các bộ, ngành thấy được trách nhiệm của mình hơn; trên cơ sở đó để các địa phương thực hiện, phát triển tốt hơn trong các lĩnh vực.

Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) . Ảnh: Bích Liên

Đại biểu cũng cho biết, trong điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội, các câu hỏi của đại biểu đặt ra được trả lời trọn vẹn. Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng về các chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ, hy vọng trong thời gian tới lĩnh vực này sẽ được đưa vào thực tiễn và phát triển hơn nữa.

Quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải phóng xạ, đại biểu mong rằng thời gian tới Bộ trưởng sẽ phối hợp với các ngành liên quan quản lý tốt hơn về chất thải phóng xạ.

Để KH&CN xứng đáng là quốc sách hàng đầu

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH&CN, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, các nội dung chất vấn đặt ra cho Bộ trưởng lần này rất trọng tâm, trọng điểm, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng muốn làm sao để KH&CN xứng đáng là quốc sách hàng đầu, song song với giáo dục & đào tạo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: BL

Theo đại biểu, lĩnh vực khoa học & công nghệ thời gian qua có sự phát triển và đầu tư đúng mức, tuy nhiên cũng còn những mặt hạn chế nhất định.

Cụ thể, đầu tư cho KH&CN hiện nay dường như ưu tiên chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, viễn thông, y tế, trong khi các lĩnh vực khác cũng có đầu tư nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm khoa học công nghệ mang giá trị kinh tế cao do Việt Nam tạo ra còn hạn chế.

Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu Hòa cho rằng số lượng các nhà khoa học hàng đầu, ngang tầm quốc tế của Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay; đầu tư cho lĩnh vực khoa học & công nghệ, cả từ ngân sách và xã hội hóa, còn chưa thỏa đáng. Các doanh nghiệp không quá mặn mà với việc rót tiền khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu như không có.

Đại biểu cũng chỉ rõ, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay đang đặt ra một số bài toán lớn đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Đại biểu nhấn mạnh cần phải tăng cường đầu tư ngân sách và thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực khoa học & công nghệ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực