Một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục

Thứ bảy, 01/07/2023 16:25
(ĐCSVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức một cuộc kiểm tra toàn diện đối với một nền tảng xuyên biên giới lớn tại Việt Nam, là TikTok và buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm, có biện pháp khắc phục. Hiện nay đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và tháng 7 sẽ công bố.

Thông tin trên được đồng chí Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT ngày 30/6.

Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT Lê Quang Tự Do chia sẻ tại Hội nghị ngày 30/6. Ảnh: Đức Huy.

Chia sẻ về bước tiến mới trong quản lý nền tảng xuyên biên giới (XBG), đồng chí Lê Quang Tự Do cho biết, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra toàn diện một nền tảng xuyên biên giới lớn ở Việt Nam, đó là TikTok. Đồng thời, phối hợp liên ngành kiểm tra nhiều lĩnh vực và dịch vụ khác nhau. Đây cũng là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể. Hiện nay, đoàn kiểm tra đang thực hiện các bước cuối và dự kiến tháng 7/2023 sẽ có công bố những sai phạm của TikTok.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới áp dụng công nghệ rà quét tự động với quảng cáo. Đồng thời yêu cầu các nền tảng không bật kiếm tiền với trang, kênh có nội dung vi phạm để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo nuôi dưỡng trang, kênh vi phạm pháp luật; các dịch vụ truyền thông và giải trí được cung cấp thông qua Internet (OTT) cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định Nghị định số 71 và Luật Điện ảnh sửa đổi. Kết quả, Netflix đã nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam; 5 OTT nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về cung cấp phim trực tuyến. 5 nhà sản xuất TV lớn nhất cũng được Bộ TT&TT yêu cầu không gắn app OTT cung cấp nội dung không có phép ở Việt Nam lên màn hình hoặc bộ điều khiển. Đây là biện pháp hữu hiệu để Netflix và nền tảng khác phải tuân thủ pháp luật.

Theo báo cáo của Cục PTTH-TTĐT, Facebook đã gỡ 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; gỡ 72 tài khoản, fanpage quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; gỡ 2.444 link quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp. YouTube đã gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm bằng thuật toán tự động. Không quảng cáo và bật kiếm tiền trên 50 kênh YouTube, 49 trang và tài khoản Facebook, 158 website. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, 6 tháng cuối năm, Cục PTTH-TTĐT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện và tham mưu Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng; Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; Chấn chỉnh, xử phạt và buộc TikTok phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác; Phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng đã tập hợp được để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng, chống tin giả trên mạng.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực