Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Thứ sáu, 12/04/2024 22:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch còn thấp, chưa đáp ứng với thực tế.

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”.

Theo Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch. Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia....

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp. Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Trong bối cảnh thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam khiến người làm du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

 Đào tạo nhân lực du lịch chưa đáp ứng thực tế.

Ông Thủy cho rằng, việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của hệ thống.

Đó là chưa kể, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam còn phải đối mặt thực trạng thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, đòi hỏi phải có chính sách thu hút trở lại người lao động và có giải pháp đào tạo lại, đào tạo mới.

Trước thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam mà trước hết cần xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều cơ sở đào tạo du lịch trong nước và quốc tế đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo du lịch Việt Nam theo chuẩn quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỉ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch; đa dạng hóa các cơ sở phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực