Nâng cao giám sát và đánh giá chính sách đất đai của cộng đồng

Thứ bảy, 02/04/2016 15:55
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến đã thống nhất cao rằng, cần nâng cao chất lượng giám sát và đánh giá chính sách đất đai trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, cần thiết phải nhân rộng hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng (Ban giám sát cộng đồng) để góp phần gia tăng hiệu quả quản lý xã hội.

Các ý kiến trên được thảo luận và thống nhất cao tại Hội thảo “Thách thức và bài học về Ban giám sát cộng đồng thực hiện giám sát và đánh giá chính sách đất đai” diễn ra ngày 2/4 tại Hà Nội.

Hội thảo do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức liên quan phối hợp tổ chức.

Hội thảo do ông Lê Công Lương, Chánh văn phòng VUSTA và ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQVN chủ trì (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA khẳng định, hoạt động của Ban giám sát của cộng đồng có vai trò quan trọng trong thực thi quyền giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, nhiều chính quyền cấp cơ sở chưa nắm vững được quy trình tham gia giám sát, phản biện xã hội và khả năng phản biện của cấp này còn hạn chế. TS Mậu chỉ ra rằng, việc tổng kết các bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công của các ban giám sát cộng đồng là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, VUSTA và MTTQ Việt Nam sẽ nghiên cứu xem xét và tham mưu cho các cơ quan liên quan để xây dựng các cơ chế giám sát cộng đồng liên quan đến thực thi chính sách đất đai một cách hiệu quả nhất.

Phân tích về giám sát cộng đồng về thực thi Luật đất đai, Luật sư Lê Đức Tiết chỉ rõ, kinh nghiệm từ việc triển khai thí điểm hoạt động giám sát của cộng đồng đối với Luật đất đai đã được thực hiện ở một số địa phương có kết quả, từ đó đã đúc rút được một số kinh nghiệm. Tuy vậy, khi triển khai, hoạt động giám sát cộng đồng còn bị vướng mắc. Không phủ nhận xã hội hóa hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội là xu thế tiến bộ, là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn tiêu cực trong xã hội và tinh giản biên chế bộ máy nhà nước, giảm bớt gánh nặng chi phí của ngân sách. Nhưng trong vấn đề xã hội hóa, cần tránh nhất là công chức hóa, hành chính hóa tổ chức xã hội. Do đó, theo Luật sư Tiết, tổ chức giám sát cộng đồng về thực thi Luật Đất đai chỉ nên thành lập khi cần có sự giám sát một hoặc một số nhiệm vụ được nêu tại khoản 3, Điều 199, Luật Đất đai năm 2013. Chủ trì Ban giám sát cộng đồng sẽ là một đại diện của MTTQ cấp cơ sở. Số lượng và thành viên Ban giám sát sẽ do cộng đồng lựa chọn những người có uy tín, có điều kiện tự nguyện tham gia và có kiến thức chuyên môn.


Hoạt động phổ biến kiến thức cho người dân tại Ban giám sát cộng đồng Thanh Hà, Thanh Liêm, Hà Nam (Ảnh: Ban giám sát cộng đồng Hà Nam)


Hội thảo cơ bản thống nhất rằng, về nguyên tắc hoạt động giám sát cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nên mang tính chủ động hơn là để khi có khiếu kiện của dân mới tiên hành. Các địa phương nên bắt đầu từ khâu quy hoạch và kế hoạch đất đai. Công khai, minh bạch và việc lấy ý kiến của dân cần được thực hiện đúng theo quy định của Luật. Chính quyền và MTTQ cấp cơ sở nên có kế hoạch trước về thưc hiện giám sát cộng đồng và thông báo cho dân biết. Thêm nữa, cần có kề hoạch phổ biến, giáo dục một cách rộng rãi thường xuyên về Luật Đất đai năm 2013 trong dân. Nên biên soạn sách hỏi đáp một cách ngắn gọn và chuẩn bị đội ngũ cán bộ hướng dẫn, phổ biến về Luật đất đai cho dân.

“Phải coi kiểm tra, giám sát là động lực thúc đẩy tiến bộ không ngừng. Tối thiểu phải làm cho công tác kiểm tra, thanh tra giám sát thật sự nhạy bén, thực sự có hiệu lực. Hướng dẫn nhân dân thực hiện quy trình, nội dung giám sát của dân là điều cần được Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQVN và các cấp quan tâm hơn.” - Luật sư Tiết nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động, ông Lại Đức Thành, Ban giám sát cộng đồng xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Lam cho biết: “Ban giám sát cộng đồng chúng tôi chủ yếu tập trung quan tâm giám sát những việc triển khai ở địa phương chúng tôi xem có đúng luật không, nhất là những dự án liên quan tới đất đai. Tiến hành thu thập tài liệu, yêu cầu các nhà đầu tư các dự án cung cấp tài liệu, giải trình những vấn đề chưa rõ. khi thực hiện giám sát, phải thường xuyên cập nhật số liệu, so sánh đối chiếu với hợp đồng, bản vẽ nếu thấy có gì không đúng về diện tích, về vị trí, về giá cả đền bù, hỗ trợ ... Ngoài ra, Ban giám sát còn có nhiệm vụ tham gia ý kiến phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền thông qua MTTQ xã và thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri…


Đất đai luôn là lĩnh vực được quan tâm (Ảnh: HNV)

Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch MTTQ Tuyên Hóa, Quảng Bình: Ban giám sát cộng đồng đã tuyên truyền cho người dân hiểu, tiếp nhận các khiếu nại đúng và giải thích cho người dân những khiếu nại sai. Vì thế, việc “Hoàn thiện cơ chế giám sát cộng đồng trong thực thi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất” là một hoạt động rất cần thiết, bổ ích cho cộng đồng, giúp cho cán bộ và người dân hiểu rõ hơn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và bảo vệ quyền hợp pháp của chính bản thân mỗi người trong việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Mô hình giám sát cộng đồng thông qua đồng thuận là nhằm giải quyết các mâu thuẩn, xung đột trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất tại địa phương một cách hiệu quả, công bằng và hợp lý, giảm thiểu các khiếu kiện, khiếu nại, thúc đẩy tiến độ thực hiện đầu tư hiệu quả của các dự án trước, trong và sau khi triển khai. Vì vậy, mô hình giám sát thông qua cộng đồng cần được các cấp quan tâm chỉ đạo nhân rộng tại các địa phương.

Đề cập tới khung pháp luật hiện hành về hoạt động giám sát nói chung và giám sát thực thi Luật Đất đai nói riêng, PGS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cách đây 5 năm, nói về giám sát còn nhiều xa lạ, nhưng gần đây, yếu tố giám sát được đưa vào pháp luật khá lớn. Đơn cử: Luật MTTQ 2015 đã đưa giám sát thành một chương với nhiều quy định mạnh mẽ về giám sát. Đây là một yếu tố quan trọng trong thực thi pháp luật trong điều kiện hoàn cảnh của nước ta.

“Tôi tin rằng, cho tới thời điểm này, Luật Đất đai 2013 là Luật duy nhất trao quyền giám sát cho người dân”, tuy nhiên, vẫn thiếu cơ chế để thực thi hiệu quả quyền này – PGS.TS Đặng Hùng Võ nêu rõ. Do đó, PGS.TS Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần có cơ chế cụ thể để triển khai các phương thức giám sát khác nhau: giám sát của cơ quan dân cư, MTTQ và các tổ chức thành viên, giám sát của người dân. “Nếu không tích cực tạo cơ chế triển khai thì người dân không thực hiện được quyền giám sát trực tiếp của mình” – PGS.TS Võ nhấn mạnh./.

Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định khuôn khổ pháp lý cho việc giám sát trực tiếp của người dân. Luật Đất đai được ban hành và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2014. Điều 21 Luật Đất đai quy định: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương”.

Điều 198 chỉ rõ “Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đât đai theo quy định của Hiến pháp và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 199 quy định “Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai”.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực