Petrolimex đề xuất tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển năng lượng xanh

Thứ sáu, 31/03/2023 16:45
(ĐCSVN) – Đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Tập đoàn về định hướng để tạo thuận lợi cho các Tập đoàn thuộc lĩnh vực Dầu khí, trong đó có Petrolimex tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Đề xuất này phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.
 Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Sáng ngày 31/03, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì buổi làm việc.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị Ban Kinh tế Trung ương  và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều xu thế mới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành dầu khí của Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá, phân tích điều kiện thực tiễn hiện nay, một số thuận lợi, cơ hội, nhất là những khó khăn, vướng mắc vừa qua cần phải tháo gỡ để tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trình Bộ Chính trị trong Quý II năm 2023. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và triển khai xây dựng đề cương yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan liên quan báo cáo phục vụ xây dựng Đề án; đồng thời triển khai chương trình làm việc, khảo sát với một số bộ, ngành và địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam cho biết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết và những kiến nghị của Tập đoàn.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự buổi làm việc thảo luận một số vấn đề như: Làm rõ về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn kể từ khi ban hành Nghị quyết 41 đến nay, trong đó tập trung báo cáo, phân tích về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các đề xuất kiến nghị liên quan đến chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là những vấn đề điều hành giá xăng dầu, về thủ tục đầu tư, phát triển kinh doanh, công tác dự trữ xăng dầu quốc gia, về cân đối ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, công tác quản lý thị trường xăng dầu, việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống kho - cảng…; làm rõ về thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn gắn với lộ trình thoái vốn và cổ phần hoá, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với nguồn lực thực hiện; làm rõ kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phát triển khoa học - công nghệ của Tập đoàn; làm rõ những kết quả đạt được thời gian qua và những định hướng lớn trong quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược gắn với chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối những sản phẩm mới, sản phẩm dầu khí sạch như LNG, hydrogen… phù hợp với xu thế sử dụng năng lượng hiện nay trên thế giới; về bảo vệ môi trường, sử dụng xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng giảm phát thải, nhất là phát thải khí nhà kính trong ngành xăng dầu để thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP-26...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Đảng ủy tập đoàn đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Tập đoàn, cũng như triển khai chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn đến các Cấp ủy trực thuộc. Quá trình triển khai tổ chức thực hiện đều gắn chặt công tác xây dựng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng các mục tiêu, các định hướng phát triển của Tập đoàn trong từng giai đoạn. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 75%, là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần khoảng 45% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước. Từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh, Petrolimex luôn là doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nhất chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung ứng xăng dầu để đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước và cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Petrolimex tập trung thực hiện phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa. Là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đầu tiên thực hiện thành công cổ phần hoá và tái cấu trúc, sau hơn 10 năm cổ phần hóa, Tập đoàn hiện nay đã trở thành công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn thuộc Top VN30 niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM với vốn hoá trên 50.000 tỷ đồng và cổ tức lũy kế Nhà nước nhận được cho đến nay đã vượt phần vốn góp Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong định hướng chiến lược của mình, Tập đoàn đang hướng tới là Tập đoàn số 1 tại Việt Nam về kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030. Giữ vững vị thế là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, lợi nhuận hàng năm chưa đạt được mức mong muốn, thậm chí có năm lợi nhuận kinh doanh xăng dầu âm (do ảnh hưởng của COVID-19), dẫn đến không chủ động nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tính đột phá để xử lý căn cơ một số vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu, cơ chế chính sách về thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, nhất là đối với các dự án có vốn nhà nước dẫn đến mất lợi thế khi huy động nguồn đầu tư nước ngoài, chưa có chính sách để giá cả thực sự được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường. Vấn đề về dự trữ dầu thô, xăng dầu cũng còn nhiều bất cập. Về quy hoạch hệ thống, quản lý chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại, chính sách hỗ trợ ngư dân và thẩm lậu xăng dầu trên biển còn nhiều tồn tại...

Hình ảnh tại buổi làm việc. 

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, trao đổi tập trung vào: Thực trạng tình hình hoạt động, vai trò chủ đạo của Tập đoàn trong thời gian qua trong thị trường xăng dầu; cơ chế chính sách để tăng cường thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước vào phát triển ngành Dầu khí. Làm rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của thực trạng, cũng như đề xuất một số giải pháp trọng tâm liên quan. Nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng tình cao với việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu chia sẻ tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu tham dự cuộc họp; kết quả đạt được của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong thời gian qua cũng như đồng tình với nội dung phân tích, kiến nghị và đề xuất của Petrolimex.

Đồng chí Trần Tuấn Anh giao Tổ Biên tập xây dựng Đề án nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành liên quan để chắt lọc, lựa chọn các nội dung phù hợp để đưa vào Đề án cũng như phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời để Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, sản phẩm hóa dầu. Đồng chí bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Tập đoàn về định hướng để tạo thuận lợi cho các Tập đoàn thuộc lĩnh vực Dầu khí, trong đó có Petrolimex tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Đề xuất này phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, cần thiết phải có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị để định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí, trong đó có định hướng chiến lược mới cho phát triển Petrolimex. Đồng chí tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được trong những năm qua và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, cùng với những định hướng chiến lược mới và sự đồng hành của các bộ, ngành, Petrolimex sẽ có những bước phát triển mới, đột phá trong thời gian tới./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực