Phát triển giao thông theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”

Thứ ba, 28/03/2023 16:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Những năm qua, hệ thống giao thông kết nối vùng và nội địa tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, tạo diện mạo mới cho tỉnh.
leftcenterrightdel
 Tuyến đường ĐT 753 kết nối được tỉnh Bình Phước đầu tư đến đoạn cầu Mã Đà. (Ảnh: binhphuoc.gov.vn)

Hiện hệ thống giao thông Bình Phước có 03 tuyến Quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh, 135 tuyến đường huyện, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuyến đường tuần tra biên giới; tỷ lệ nhựa hóa chung đạt khoảng 64,17%.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, tính kết nối vùng, kết nối các trung tâm vừa yếu, vừa thiếu, đang là điểm nghẽn của tỉnh trong thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”, ưu tiên phát triển giao thông đối ngoại, kết nối vùng và các cảng biển, sân bay, trung tâm kinh tế lớn trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Phước đặt rõ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn, trước mắt tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; Cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn ĐăkNông – Chơn Thành; Tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương kết nối với tuyến đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4; Tuyến ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; Tuyến đường phía Tây QL.13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư và kết nối với đường trục chính KCN Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường kết nối nội tỉnh như: ĐT 752, ĐT 758, quốc lộ 14 đoạn TP.Đồng Xoài - thị xã Chơn Thành, H.Đồng Phú - TX.Chơn Thành, tuyến đường Minh Lập (TX.Chơn Thành) - Bù Nho (H.Phú Riềng)…

Tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật hệ thống giao thông, các phương án tuyến quan trọng vào Quy hoạch tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch các đô thị, nông thôn và các lĩnh vực khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử….

Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực