Ngày này năm xưa: 03/10

Thứ năm, 03/10/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 03/10/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.

Trải qua 79 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Khí tượng thủy văn đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ sự bình an cho đời sống sinh hoạt của người dân trên mọi miền đất nước.

  Ảnh minh họa (Nguồn: KTTV)

- Ngày 03/10/1950: Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng biên giới phía Đông Bắc, khai thông biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 16/9, ta nổ súng đánh Đông Khê, sau 54 giờ chiến đấu anh dũng, ta đã làm chủ thị trấn quan trọng này. Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi mang ý nghĩa sâu sắc, là bước ngoặt quan trọng xoay chuyển cục diện chiến trường, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Với vai trò quan trọng then chốt, cung cấp sức người, sức của phục vụ chiến dịch, Cao Bằng đã huy động một lực lượng lớn nhân lực, vật lực, phối hợp hiệp đồng chiến đấu, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Sau Chiến thắng Đông Khê, quân ta giải phóng hoàn toàn Cao Bằng vào ngày 03/10/1950, làm chủ một vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập, mở toang cánh cửa ra biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đây, Nhân dân các dân tộc Cao Bằng được sống trong độc lập tự do, xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn quốc đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Phát huy truyền thống cách mạng, Cao Bằng quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa Cao Bằng trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, đẹp về văn hóa trong khu vực miền núi phía Bắc, thực sự là phên dậu vững chắc phía Đông Bắc của Tổ quốc.

- Ngày 03/10/1995: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Bộ luật Dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt và sửa đổi biểu thuế nhập khẩu. Quốc hội còn quyết định: Hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp Nhẹ thành Bộ Công nghiệp; hợp nhất Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ngày 03/10/2017: Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết Số: 98/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 03/10/1942: Tên lửa đạn đạo V-2 được phóng thử thành công từ đảo Peenemunde của Đức. Tên lửa V-2 do Đức chế tạo dài 14m, đường kính 1,65m, khối lượng phóng 12,7 tấn, mang đầu đạn 800kg, có thể đạt vận tốc lớn nhất 1.700m/s ở độ cao 96km và có tầm bắn 270-320km. Đây là tên lửa đạn đạo chiến đấu đầu tiên trên thế giới, nền tảng cho các chương trình tên lửa của Mỹ và Liên Xô... Việc phóng thành công tên lửa V-2 là dấu mốc cho khả năng phát triển tên lửa đạn đạo và hướng phát triển khoa học vũ trụ.

 Tên lửa đạn đạo V-2 được phóng thử thành công từ đảo Peenemunde của Đức. (Ảnh: NASM)

- Ngày 03/10/1945: Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU) được thành lập với mục đích: Hướng đến việc xác lập trật tự thế giới, trong đó loại bỏ bất bình đẳng về xã hội và mọi hình thức bóc lột con người. Liên hiệp Công đoàn thế giới đã tham gia hoạt động trong một số tổ chức của Liên hợp quốc như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO)...

- Ngày 03/10/1990: Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa dân chủ Đức thống nhất thành Cộng hòa liên bang Đức (gọi tắt là nước Đức)./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực