Ngày này năm xưa: 21/4

Chủ nhật, 21/04/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 21/4/1950 trở thành một cột mốc lịch sử của báo chí Việt Nam khi Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Sự kiện trong nước

- Ngày 21/4/1947, ngày mất nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ông là một trong các nhân vật lãnh đạo phong trào Duy Tân năm 1908. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt); quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp từ ngày 31/5/1946 đến 20/10/1946.

Ngày 21/4/1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm của ông ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị. Ghi nhận công lao của ông đối với đất nước, nhiều tỉnh, thành phố trong nước có nhiều tên đường, trường học mang tên ông.

  Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội Những người viết báo Việt Nam. Ảnh tư liệu.

- Ngày 21/4/1950, tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Đại hội thông qua Điều lệ, bầu Ban lãnh đạo, Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng. Chiếu theo đơn xin lập Hội những người viết báo Việt Nam của Nhà báo Xuân Thủy, ngày 2/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 232/NV cho phép thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. 

Trải qua hơn 70 năm phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ hơn vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp. Những hoạt động Hội đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với mọi lĩnh vực của đời sống đất nước và báo chí hôm nay, đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bộ đội ta tấn công vào Xuân Lộc 1975 (Ảnh tư liệu) 

- Ngày 21/4/1975, Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Ngay sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc tan rã, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức và hai ngày sau đó thì trốn chạy khỏi Sài Gòn. Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

- Ngày 21/4: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Vào ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển kiến thức, giáo dục, kỹ năng tư duy và rèn luyện nhân cách của con người. 

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.

Đông đảo học sinh và độc giả đến tham dự và đọc sách tại Ngày sách và Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 . Ảnh: Mai Sao

Việc lựa chọn ngày Sách Việt Nam là ngày 21/4 còn gắn với sự kiện kỷ niệm sự ra đời của cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là quyển sách lần đầu tiên được in bởi những thợ in người Việt Nam. 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng không chỉ với người yêu sách mà còn với cả xã hội. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị to lớn của sách, khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của sách với đời sống xã hội, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những con người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản sách... Bên cạnh đó, ngày này cũng góp phần vào việc nâng cao trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 21/4/1960, thủ đô mới của Brazil mang tên Brasilia đã được khánh thành. Trước đó, thủ đô của Brazil là Rio de Janeiro (1763-1960). 

Được xây dựng ở trung tâm đất nước, Brasilia là một thành phố mới với những con đường sạch sẽ, quy hoạch hợp lý và không gian thoáng mát. Việc xây dựng Brasilia đã được sử dụng tiên tiến nhất, công nghệ hiện đại và phương pháp của kiến trúc. Thành phố này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới dù được xây dựng trong thế kỷ 20 nhờ kiến trúc hiện đại và quy hoạch đô thị có tính thẩm mỹ cao./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực