Nhân Hội nghị Văn hóa năm 2023, Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt Cuốn sách “Văn hóa Hà Giang - Động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa năm 2023)”.
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Đông Bắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Quá trình hình thành nền văn hóa của vùng đất cực Bắc Tổ quốc gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Sự khắc nghiệt của địa hình tự nhiên chia cắt, núi cao - thung sâu, vùng đá khô khát, vùng cao núi đất tiềm ẩn nguy cơ sạt lở…, khó khăn chồng chất đã tạo cho nhân dân các dân tộc ở Hà Giang những nét đặc thù trong lao động và sinh hoạt, trong cách ứng xử với tự nhiên và xã hội; rèn luyện cho con người nơi đây bản tính cần kiệm, lòng nhân ái, bao dung, ý chí tự cường, vượt khó vươn lên; đoàn kết, gắn bó, cố kết cộng đồng và hội tụ các giá trị truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc. Đồng thời, mỗi dân tộc ở Hà Giang đều thể hiện những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh chân thực đời sống văn hóa của dân tộc mình qua từng thời kỳ lịch sử.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, đầu tư, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị và di sản văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh và động lực phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Qua đó, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao; quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị; hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng; môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, của dân tộc, vừa tiếp tục kế thừa, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất Hà Giang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nhận diện, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để từ đó đề ra những chủ trương, định hướng, hoạch định những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng; bảo vệ các di sản văn hóa quý báu của dân tộc nói chung và của Hà Giang nói riêng trước nguy cơ bị xuống cấp, mai một.
Với tính cấp thiết như vậy, Hội nghị Văn hóa năm 2023 với chủ đề “Văn hóa Hà Giang - Động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh” được Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức nhằm tổng kết những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong thời gian qua, nhất là kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và hai năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Chủ đề của Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa ở Trung ương và các nghệ nhân dân gian, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh... Các bài viết gửi đến Ban Tổ chức đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, các vấn đề đặt ra và các định hướng, giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa tỉnh Hà Giang trong những năm tới. Trong đó, nhiều giải pháp có ý nghĩa thiết thực đã được các tác giả gợi mở như: giải pháp khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Giang; giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và các di sản văn hóa trên địa bàn; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển bền vững Hà Giang; giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng văn học, nghệ thuật của tỉnh, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; giải pháp phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, trong đó có Hà Giang... Những tham vấn giá trị và tâm huyết đó sẽ là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
Trên cơ sở các bài viết tham gia Hội nghị, Ban Tổ chức đã tập hợp in thành cuốn sách "Văn hóa Hà Giang - Động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa năm 2023)".
Cuốn sách gồm 3 phần. Trong đó, phần thứ nhất là Báo cáo kết quả xây dựng và phát triển văn hóa con người Hà Giang; thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về văn hóa.
Phần thứ hai là tham luận các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các nghệ nhân dân gian.
Phần thứ ba là các tham luận của các huyện, thành ủy; các ban, sở, ngành, đơn vị trong tỉnh (nội dung được thể hiện trong phiên bản điện tử).
Bên cạnh các báo cáo và tham luận, cuốn sách còn cung cấp cho độc giả những tư liệu lịch sử quý: hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hà Giang (tháng 3/1961), 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021./.