Môi trường “đắc địa” của lừa đảo trực tuyến
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây cho biết, trong 11 tháng của năm 2023, hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến; trong đó có tới trên 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Còn theo một báo cáo mà Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu GASA mới công bố, thì có 10% người dùng Internet Việt Nam đối mặt với nguy cơ lừa đảo hàng ngày, 20% mỗi tuần và 25% vài tháng một lần. Trong đó, 80,2% số người được hỏi cho biết những kẻ lừa đảo tiếp cận với họ qua điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng OTT. Trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt Nam tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo; 29% người phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng.
|
Lừa đảo trực tuyến qua hình thức quà tặng khiến nhiều người "sập bẫy". Ảnh minh họa |
“Điều đặc biệt là, trong tổng số tiền bị lừa đảo qua mạng toàn cầu là 53 tỉ USD, thì có gần 16 tỉ USD của người Việt Nam. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng” – một chuyên gia cho biết.
Đây là điều vô cùng đáng buồn khi Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin, internet nhanh, trình độ hiểu biết và sử dụng công nghệ của nhiều người vẫn còn hạn chế, trong khi các việc lừa đảo qua thiết bị công nghệ chưa bao giờ hiện đại, tinh vi và nhiều hình thức lừa đảo như hiện nay. Đây là môi trường “đắc địa” để tội phạm thực hiện các vụ lừa đảo với số tiền rất lớn. Đáng lo ngại hơn, tình trạng lừa đảo qua mạng hiện nay thậm chí còn được coi là “ngành công nghiệp” chứ không còn là của cá nhân hay nhóm nhỏ. Nói đó là “ngành công nghiệp” bởi các đối tượng lừa đảo có giáo trình, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại tiếp cận nạn nhân. Do đó, các nạn nhân đôi khi không phải vì tham lam, vì sợ sệt, mà còn bị thao túng tâm lý, “dẫn dụ” khiến không kiểm soát được hành vi; càng nói chuyện dài với các đối tượng, khả năng bị dẫn dụ lừa đảo càng cao. Chỉ đến khi mất số tiền lớn, nạn nhân mới “bàng hoàng” tỉnh ngộ, thì những kẻ lừa đảo đã “cao chạy xa bay”, và việc tìm kiếm các đối tượng lừa đảo vô cùng khó khăn, rất ít vụ việc lừa đảo trực tuyến được điều tra ra do tội phạm lừa đảo qua mạng thường ẩn danh, giả danh, sau khi gây án nhanh chóng xóa dấu vết.
“3 không” để không bị lừa đảo qua mạng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền rất nhiều về các chiêu thức lừa đảo. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu lên cụ thể 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm. Và mặc dù đã được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn mắc mưu các đối tượng lừa đảo.
Các chuyên gia cảnh báo, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xoay quanh các sự kiện nóng, nổi bật và ứng dụng giả mạo. Các nhóm tin tặc cũng sẽ ngày càng sáng tạo hơn trong việc thiết kế chiến lược lừa đảo, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ để tạo ra thông điệp và trang web giả mạo khiến người dùng khó phân biệt với các thông điệp và trang web chính thức.
Do đó, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, mỗi người cần thận trọng khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng. Khi nhận được một cuộc gọi, hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình? ”… Đặc biệt, không nghe các cuộc điện thoại dài của người không quen biết, cần dứt khoát tắt máy, tắt tin nhắn. Trước khi có các giao dịch tiền qua tài khoản cho các đối tượng lạ, cần tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, hoặc cơ quan chức năng. Mỗi người khi sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội cần thực hiện tốt “3 không”: Không nhấn vào những đường link do người lạ gửi đến; không tải ứng dụng từ bên thứ ba, chỉ tải trên kho Google Play hay App Store; không nghe những lời cáo buộc, đe dọa hoặc tư vấn liên quan đến đầu tư, lợi ích tài chính, nhận thưởng... qua điện thoại hoặc mạng xã hội, bởi đa phần trong số đó là hành vi làm phiền và lừa đảo trực tuyến.
|
Người dân cần nâng cao kỹ năng bảo mật thông tin |
Được biết, khoảng giữa năm 2024, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia sẽ cho ra mắt phần mềm chống lừa đảo để giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trên không gian mạng. Theo đó, ứng dụng chống lừa đảo sẽ được cài trên điện thoại cá nhân nhằm phát hiện, cảnh báo cho người dùng khi có cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo gửi đến; đồng thời giám sát, phát hiện ra các ứng dụng giả mạo, cài từ nguồn không đảm bảo, phát hiện những phần mềm truy cập vào dữ liệu người dùng hay có khả năng theo dõi, nghe lén, điều khiển điện thoại. Nhờ đó người dùng có thể tránh được phần lớn các tấn công lừa đảo hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giải pháp công nghệ chỉ mang tính hỗ trợ. Điều quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên cập nhật cảnh báo từ cơ quan chức năng, tự cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, nâng cao ý thức cảnh giác và khả năng tự phòng vệ trước các hình thức lừa đảo. Thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không” (Không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản) và “2 phải” (Phải thường xuyên cảnh giác và phải tố giác ngay với công an khi có nghi ngờ).
Và một điều cũng rất cần thiết, đó là mỗi người dân cùng phải chung tay phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng bằng cách nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo trực tuyến, giúp lực lượng chức năng dễ dàng, nhanh chóng phát hiện các thủ đoạn lừa đảo, đồng thời kịp thời phát đi các thông tin cảnh báo, ngăn chặn, giảm thiểu lừa đảo trực tuyến, giúp xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh.