Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thông báo người dân gặp nạn

Thứ ba, 07/03/2023 16:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, hàng loạt phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội nhận được cuộc gọi của kẻ lạ mặt yêu cầu chuyển khoản gấp chi phí phẫu thuật cho con do bị té ngã ở trường học. Quá lo sợ, nhiều phụ huynh đã chuyển tiền cho bọn xấu. Đây là thủ đoạn lừa đảo cần các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý nghiêm minh.
 Số điện thoại gọi đến cho phụ huynh để lừa đảo. Ảnh: PHCC

Khoảng 9 giờ 30 ngày 3/3 vừa qua, 2 vợ chồng anh H. đang ở nhà thì có một người lạ gọi điện thoại đến cho biết con anh bị té cầu thang trong trường học, chấn thương sọ não được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

Người này nói con anh cần mổ cấp cứu gấp và cần người ký giấy để phẫu thuật, đồng thời gia đình anh phải chuyển khoản trước để tạm ứng cho ca phẫu thuật. Do người này xưng là giáo viên bộ môn của lớp. Họ biết rõ họ tên,  lớp học, trường của con nên gia đình anh H. đã không một chút nghi ngờ nào, hơn nữa do quá lo lắng cho con, gia đình anh H. đã chuyển 20 triệu đồng để họ lo giúp “viện phí”.

Khi đang trên đường chạy xe đến bệnh viện, anh H. liên tục bị người này gọi điện, nhắn tin hối thúc, chuyển thêm tiền để con anh lên ca mổ. Gia đình anh H. đã chuyển thêm 50 triệu đồng cho người này. Tuy nhiên, khi đến tận bệnh viện, anh H. mới biết mình bị lừa khi con anh không hề bị nạn.

Cũng với nội dung lừa đảo tương tự, trong mấy ngày nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có cả chục trường hợp phụ huynh đã bị “sập bẫy” của kẻ xấu với tổng số tiền bị lừa lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, mà hiện nay, ở Hà Nội, bọn lừa đảo cũng đang “diễn” một “kịch bản” y như vậy với một số phụ huynh.

Đây không phải chiêu trò mới của bọn lừa đảo. Thời gian trước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra những vụ việc tương tự khi bọn chúng dựng chuyện người thân bị tai nạn để lưà lấy tài sản của những người nhẹ dạ. Hình thức lừa đảo chủ yếu thời gian đó là đối tượng tìm tới tận nhà của nạn nhân thông tin người thân của họ bị tai nạn, giả làm người tốt chở nạn nhân vào viện và trên đường đi đã lừa lấy tài sản. Hoặc đối tượng giả giọng giống với người nhà của nạn nhân, rồi yêu cầu nạn nhân chuyển khoản. Theo các trinh sát đa số các nạn nhân của những vụ án thời gian trước đều là phụ nữ, người lớn tuổi nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Về vụ việc hiện đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ngay khi nắm được tình hình, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi tất cả trường phổ thông, yêu cầu nhà trường lưu ý phụ huynh cảnh giác khi người lạ đề nghị chuyển tiền.

Đồng thời, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình, nhằm đảm bảo an toàn thông tin, sự kết nối liên lạc thông suốt giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tất cả cơ sở giáo dục phải công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

 Kẻ lừa đảo nhắn tin cho một phụ huynh

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh, sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật.

Ngay trong chiều hôm qua (ngày 6/3), nhiều trường học ở Thành phố đã đồng loạt phát đi thông báo cảnh báo phụ huynh cần bình tĩnh, kiểm chứng thông tin khi nhận điện thoại từ những số máy lạ, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Trên thực tế hiện nay, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều chiêu thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, với số tài sản bị lừa không hề nhỏ.

Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng… Sau đó sẽ nhắn tin, gọi điện để thực hiện hành vi lừa đảo.

Về giải pháp, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử… Công tác tuyên truyền cần được triển khai thông qua nhiều hình thức khác nhau với nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, có thể đẩy mạnh tuyên truyền tại khu dân cư, trong trường học, trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua tin nhắn tới các số điện thoại của người dân…

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ thì biện pháp phòng ngừa xã hội giữ vai trò hết sức quan trọng. Bản thân mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức nhất định cho chính mình để không bị “dính bẫy” của các đối tượng. Cảnh giác ở đây được biểu hiện thông qua việc rất cụ thể như: không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân lên mạng, không truy cập vào các đường link lạ, không nên tin vào các nguồn thông tin không chính thống. Điều quan trọng là phải luôn tỉnh táo, giữ bình tĩnh và xác thực thông tin trước khi làm theo hướng dẫn của người lạ. Việc mỗi cá nhân tự trang bị cho bản thân những kiến nhất định sẽ cùng với cơ quan chức năng chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, xóa bỏ các điều kiện mà các loại tội phạm có thể lợi dụng để phạm tội. Qua đó góp phần giữ gìn môi trường không gian mạng an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, nếu người dân phát hiện thấy bất kỳ hành vi lừa đảo nào, cần báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho Cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Với sự cảnh giác của mỗi người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và thêm vào đó là tính nghiêm minh của pháp luật thì hi vọng các “chiêu” lừa đảo sẽ không có điều kiện để thực hiện trong thực tế, đảm bảo cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

 

 

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực