Chợ xây xong bỏ hoang: Ai chịu trách nhiệm?

Chủ nhật, 10/09/2023 09:24
(ĐCSVN)- Chợ là một trong những hạng mục của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với số vốn đầu tư không hề nhỏ. Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn và nhiều các lí do khác nhau, nên một số chợ xây dựng xong không phát huy được hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang, gây lãng phí và để lại bức xúc trong dân.
 Một góc khu chợ xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị bỏ hoang. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ở các miền quê Việt Nam, chợ là trung tâm thương mại của xã, được xây dựng nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển dịch vụ thương mại địa phương nói riêng, là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, một số chợ ở các huyện, xã trên địa bàn các địa phương đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Đa số các chợ sau khi xây xong đều đã được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh. Các chợ cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của Nhân dân….

Tuy nhiên, bên cạnh những chợ đang phát huy vai trò của nó thì hạng mục này ở một số nơi đã gây ra sự lãng phí ngân sách rất lớn, bởi kể từ khi xây dựng đến lúc hoàn thành, gần như bỏ hoang. Cũng do không được bảo quản nên toàn bộ công trình xây dựng xong chỉ ít năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Khu chợ phiên ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Chợ được đầu tư tiền tỷ xây dựng để phục vụ cho những người dân vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, mua bán hàng hóa và vật dụng cần thiết. Nhưng rồi, khu chợ phiên chỉ mới hoạt động vỏn vẹn khoảng 5 phiên thì bị “lãng quên” và bỏ hoang cho đến nay. Theo người dân, có nhiều nguyên nhân khiến khu chợ này bỏ hoang, trong đó có việc ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 nên người dân không còn đến chợ phiên. Cùng với đó nhiều người chưa quen kiểu mua bán tập trung. Hơn nữa, đa số người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên muốn đến phiên chợ, mọi người phải đi quãng đường núi khá xa, địa hình hiểm trở, trong khi hàng hóa, nông sản để bán cũng không có nhiều…

Hay chợ Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã xây dựng xong cách đây hơn 2 năm, với số vốn đầu tư từ ngân sách lên tới 14 tỉ đồng. Nhưng lạ thay, người dân địa phương không vào chợ này để kinh doanh, mà buôn bán ở khu chợ cũ nhếch nhác, thậm chí tràn ra cả lòng đường, bất chấp biển cấm.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết, nguyên nhân dẫn đến thời điểm này chợ vẫn chưa đi vào hoạt động là do một số hộ kinh doanh quen với việc buôn bán ở chợ cũ đã hàng chục năm. Họ không phải mất tiền thuê mặt bằng, chỉ phải bỏ ra 2.000 đồng/ngày để chi trả cho hoạt động vệ sinh môi trường, nên họ không muốn vào chợ Phú Lộc mới được xây dựng. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh Hải Dương là xóa chợ tạm, chợ không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo an toàn.

Tương tự, chợ Mỹ Quang, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định được xây dựng hồi năm 2013, trên khu đất rộng 1 ha, kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. Chợ có các hạng mục như chợ ngoài trời, khu nhà lồng, khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay, không có tiểu thương vào buôn bán. Sau nhiều năm, chợ đã cũ, xuống cấp trầm trọng. Theo chủ tịch UBND xã Mỹ Quang, do xã Mỹ Quang gần thị trấn Phù Mỹ nên người dân chủ yếu tập trung buôn bán ở chợ thị trấn, không ai vào chợ Mỹ Quang để buôn bán. Dù chính quyền vận động nhưng tiểu thương vẫn không vào.

Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân cũng như thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng chợ Ga. Tuy nhiên, chợ sau khi xây dựng khang trang lại để “phơi nắng, phơi mưa”, gây lãng phí ngân sách và bức xúc cho người dân…

Từ thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, chợ đã hoàn thiện nhưng không được đưa vào sử dụng, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị triển khai. Phải xem xét trước khi khởi công dự án, chủ đầu tư và các ngành chức năng địa phương đã đánh giá tiềm lực, tiềm năng và hiệu quả công trình chợ chưa? Hay chỉ vẽ, rồi xây lên, khi không triển khai được đành bỏ hoang? Bởi bất kể dự án nào khi triển khai chậm trễ nhiều năm đều để lại thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống kinh doanh của người dân và sự phát triển của các vùng miền. Nếu có sự thất thoát, lãng phí, cần xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể... để có các biện pháp xử lý phù hợp.

Có thể nói, việc đầu tư xây dựng chợ là một trong hạng mục quan trọng để phát triển nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, có nhiều lí do khác nhau nên những chợ nêu trên sau khi xây xong đã không được người dân đồng tình, ủng hộ, đành “đắp chiếu”. Trong đó, có nguyên nhân, khi đầu tư xây dựng chợ, chính quyền chưa làm tốt công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người dân, hộ tiểu thương và các sở, ngành chức năng, dẫn đến địa điểm, thiết kế, quy mô và nhu cầu xây dựng không phù hợp.

Trong khi đó, công tác quy hoạch có tính đến các yếu tố như các địa điểm đã có chợ truyền thống, những tụ điểm thu hút được đông người tham gia qua lại, tổ chức giao thương, giao lưu hàng hóa, thuận tiện giao thông, kết nối giữa các vùng miền.,… có vai trò rất quan trọng. Các yếu tố này cần phải tính toán phù hợp thì mới tránh được tình trạng chợ xây ra nhưng không có người họp; hoặc có chợ không sử dụng hết công năng, sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Xưa nay, chợ đông không chỉ có người bán. Điều quan trọng là phải có người mua. Vì "Trăm người bán, vạn người mua" thì mới thành cái chợ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến Nhân dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của bà con. Phải thật sự bàn bạc dân chủ để bà con ưng thuận và cùng góp vốn xây dựng. Còn cứ xây dựng chợ bằng ngân sách nhà nước mà không nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của Nhân dân đã không mang lại được ý nghĩa như mong muốn, ngược lại còn gây lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn và thất thu một khoản lớn từ các chợ cóc, chợ tạm không quản lý được.

Mặt khác, khi xây dựng xong mà đã đúng với các tiêu chí đã đề ra thì chính quyền địa phương cần phối hợp tuyên truyền để đưa người mua đến chợ. Và phải có biện pháp xử lý triệt để đối với những trường hợp kinh doanh, buôn bán không đúng nơi quy định…

Một công trình được đầu tư xây dựng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân. Nhưng xây dựng xong bỏ hoang như những chợ nêu trên khiến cho dư luận hết sức bức xúc, hoài nghi về tầm nhìn chiến lược và thể hiện sự yếu kém về cách thức quản lý của các cấp chính quyền là điều phải hết sức tránh./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực