Sinh viên giỏi đang ở đâu?

Thứ ba, 07/11/2023 22:36
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – “Trong số 2000 hồ sơ dự tuyển giỏi, xuất sắc, chỉ có 100 hồ sơ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”. Đây là một thực trạng đáng suy ngẫm về độ chênh giữa đào tạo và thị trường lao động hiện nay.

Tại hội thảo giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học" được tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, trong số 2000 hồ sơ giỏi, xuất sắc dự tuyển chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent, doanh nghiệp chỉ chọn được 100 em đáp ứng được yêu cầu. "Hiện tượng một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt" - vị này cho biết.

Đồng quan điểm, TS. Thiều Huy Thuật và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc (Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên) nhìn nhận, đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự diễn ra khá phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng nhưng vẫn khó tìm đủ nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: Đình Tăng

Còn theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021, trong hơn 55.000 tân cử nhân công nghệ thông tin, chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao tỷ lệ sinh viên xuất sắc, giỏi đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thấp đến vậy? Phải chăng doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng nhân lực quá cao? Đại diện tập đoàn Viettel cho rằng, "trước đây, nhiều sinh viên trung bình nhưng thực hành tốt, còn nay sinh viên xuất sắc nhưng chúng tôi cũng vẫn phải dạy lại nhiều". Như vậy, những bằng giỏi, xuất sắc này có thực chất hay không, hay phải chăng các trường chạy theo thành tích mà cấp nhiều bằng giỏi, hay vì để sinh viên có tấm bằng “đẹp” dễ xin việc?

Có một thực tế là, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99%. Đơn cử trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong lần xét tốt nghiệp đợt tháng 4-2022 và tháng 1-2023, có tới 76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc trên tổng số 988 sinh viên được công nhận tốt nghiệp, 23% sinh viên tốt nghiệp loại khá, và chỉ có 12 sinh viên (khoảng 1%) loại trung bình.

Hay như trong đợt xét tốt nghiệp tháng 12/2022, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 479 sinh viên tốt nghiệp hệ đại trà, trong đó chỉ có 6 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,25%. Trong đợt tốt nghiệp tháng 1-2023, trong số 2.079 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ có 24 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,15%. Còn lại 98,85% sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi và xuất sắc. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi trong đợt tốt nghiệp tháng 10-2022 của Trường ĐH Luật TP.HCM cũng lên đến 96,7%.

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học nhận định rằng, không phải tỉ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc tăng mạnh đồng nghĩa với việc sinh viên ngày nay giỏi hơn sinh viên trước đây, mà do quy chế đánh giá, cách thức và hình thức đào tạo. Hiện nay thí sinh có quyền chọn ngành nghề, môn học đúng nguyện vọng, chất lượng đầu vào cao hơn. Sinh viên có thể có hai kỳ đánh giá chất lượng là giữa kỳ và cuối kỳ, do đó có thể cố gắng để có điểm cao hơn ở bài thi thứ hai. Ngoài ra, sinh viên được phép học cải thiện để có thể nâng điểm của môn học.

Lý do gì đi nữa, thì việc sinh viên xuất sắc, giỏi chưa đánh giá được chất lượng giáo dục một cách thực chất, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sự phát triển xã hội và yêu cầu của thị trường lao động. Nhìn vào bộ hồ sơ đẹp hẳn ai cũng nghĩ là sẽ dễ xin việc, nhưng thực tế là sinh viên vẫn khó xin việc làm, và doanh nghiệp mặc dù cần vẫn rất khó tuyển lao động sinh viên. Muốn sử dụng, doanh nghiệp phải mất trung bình 4 - 6 tháng để đào tạo bổ sung.

Rõ ràng đang có sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục đại học so với yêu cầu của thị trường lao động. Điều này thể hiện thực tế là sinh viên ra trường còn thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm; trường đại học tập trung giáo dục, đào tạo những gì đang có, không chú trọng đúng mức đến những gì xã hội cần. Đó là còn chưa nói đến việc hiện nay có nhiều trường ồ ạt tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, số lượng, mà đã không quan tâm đến chất lượng đầu vào, do đó khó mà có được đội ngũ sinh viên giỏi thực chất. Ngoài ra, không thể không nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp khi chưa tích cực tham gia đào tạo nhân lực với các trường. Theo một khảo sát được công bố tháng 6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù 135 trường đại học đang hợp tác với hơn 6.120 doanh nghiệp, trung bình mỗi trường hợp tác với 60 doanh nghiệp, nhưng sự hợp tác này chỉ có 4% là hợp tác nghiên cứu, 29% là hội thảo, 30% xây dựng chương trình, 90% cho sinh viên đến thực tập. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực.

Nguồn lao động không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thì chúng ta có đang bị lãng phí công tác đào tạo không? Nếu những tấm bằng đại học không đánh giá thực chất trình độ sinh viên ra trường, thì doanh nghiệp biết tuyển lao động chất lượng cao thế nào? Khó có thể trả lời chính xác cho câu hỏi này, và doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải “liệu cơm gắp mắm” tăng thêm khoản chi phí đào tạo cho nguồn lao động mới.

 Sinh viên Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương nghiên cứu khoa học. Ảnh: PL

 Ở đây, trách nhiệm không chỉ riêng ai. Các trường đại học ngoài trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng giảng viên, không đào tạo dàn trải, lý thuyết suông; các doanh nghiệp cũng cần thấy trách nhiệm của mình trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực tương lai của chính mình, tích cực, chủ động tham gia, đóng góp ý kiến trong xây dựng chương trình, tài liệu tham khảo, biên soạn giáo trình, phương pháp giảng dạy và thực hành thực tập, tiếp nhận người học về thực hành, thực tập và huấn luyện đào tạo kỹ năng, đào tạo nghiệp vụ cho các ngành, nghề đặc thù.

Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ xác định mục tiêu đào tạo của giáo dục đại học là: ”Đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động...”. Để làm được điều này, không chỉ nhà trường, doanh nghiệp, mà bản thân các sinh viên cũng phải tích cực học tập, trau dồi nâng cao năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin,... Đừng ảo tưởng tấm bằng đại học loại giỏi là có thể dễ dàng xin được việc làm. Trường hợp 2000 bộ hồ sơ xuất sắc, giỏi mà chỉ có 100 bộ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là một minh chứng. Và nhận định của TS Thiều Huy Thuật, ThS Nguyễn Thị Ngọc: “Đa số sinh viên ra trường thiếu tác phong làm việc công nghiệp. Bên cạnh ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, thuyết trình, giải quyết vấn đề của sinh viên mới tốt nghiệp đều không tốt; không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản, không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ, thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản...” – có lẽ chính là kim chỉ nam để các sinh viên đang ngồi trên giảng đường biết mình phải làm gì trong quá trình rèn luyện bản thân./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực