Bắt nguyên cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka

Thứ ba, 04/10/2022 20:57
(ĐCSVN) – Thêm 2 cán bộ sứ quán Việt Nam bị khởi tố liên quan vụ bay giải cứu; Bắt 2 đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; Bà Merkel giành giải thưởng của Liên Hợp Quốc vì dang tay với người tị nạn; Giải Nobel Vật lý 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Pháp, Mỹ và Áo... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 4/10.

Bắt thêm 2 cán bộ sứ quán Việt Nam liên quan vụ bay giải cứu

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra thông báo về việc ra các quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 03 bị can trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Hà, sinh năm 1964, nguyên cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, về tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự;

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: Trang web Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) 

Bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, sinh năm 1988, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự;

Ông Hoàng Anh Kiếm, sinh năm 1978, nghề nghiệp tự do, về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hồng Hà và Hoàng Anh Kiếm.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 22 người bị khởi tố sau 8 tháng công an vào cuộc điều tra vụ án liên quan đến các chuyến bay giải cứu xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bắt 2 đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước

Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Bích Vân (sinh năm 1971) và Ong Thị Thụy (sinh năm 1963) cùng trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
Đối tượng Vũ Bích Vân tại cơ quan điều tra. (Ảnh: TTXVN) 

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định phê chuẩn quyết định trên.

Hai đối tượng Vân và Thụy trong một thời gian dài đã sử dụng trang facebook cá nhân quay phát, đăng tải nhiều video clip liên quan đến hình ảnh một số người dân tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền về Dự án khu dân cư khối 2, phường Vĩnh Trại.

Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ tài liệu liên quan để phục vụ hoạt động điều tra, trong đó có nhiều video sử dụng những lời nói xâm phạm đến lợi ích của các cơ quan Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân dẫn đến phát sinh bình luận trái chiều, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của chính quyền các cấp.

Bà Merkel giành giải thưởng của Liên Hợp Quốc vì dang tay với người tị nạn

Ngày 4/10, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ) thông báo sẽ trao phần thưởng cao nhất cho cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, vì những nỗ lực của bà để đón hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu từ Syria, đến Đức, bất chấp những chỉ trích từ dư luận trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Bà Merkel chụp ảnh với một người tị nạn ở Berlin năm 2015. (Ảnh: AP) 

Matthew Saltmarsh, phát ngôn viên Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR), cho biết bà Merkel đã được chọn trở thành chủ nhân của Giải thưởng Tị nạn Nansen. Giải thưởng này được trao tại cơ quan của LHQ ở Geneva hằng năm.

“Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel khi đó, Đức chào đón hơn 1,2 triệu người tị nạn trong hai năm 2015 và 2016, giai đoạn đỉnh điểm của xung đột ở Syria, và tình trạng bạo lực chết người cũng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới. Bà Merkel gây chú ý đến thân phận của những người tị nạn trên toàn cầu”, ông Saltmarsh nói với báo chí.

Quyết định của bà Merkel về việc tiếp nhận nhiều người di cư như vậy giúp đảng đối lập nhận được sự ủng hộ cao hơn và dẫn đến một số cuộc biểu tình nhỏ. Bà bị một số người chỉ trích là quá thân thiện với người tị nạn, trong khi một số nước thuộc Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới để chặn họ.

Bà Merkel sẽ bay đến Geneva vào thứ Hai tuần tới để nhận giải thưởng trị giá 150.000USD.

Giải thưởng Tị nạn Nansen của LHQ vinh danh những cá nhân, nhóm hoặc tổ chức có hành động “vượt lên bổn phận” của mình để bảo vệ người tị nạn và những người phải rời khỏi nhà, người không có quốc tịch.

Hơn 60 người đã được trao phần thưởng từ khi giải thưởng được thành lập năm 1954, nhằm vinh danh nhà khoa học người Na Uy Fridtjof Nansen.

Giải Nobel Vật lý 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Pháp, Mỹ và Áo

Giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về ba nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo). Giải thưởng trên được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố vào 16h45 phút (theo giờ Hà Nội) ngày 4/10.

Giải Nobel Vật lý 2022 tôn vinh các nhà khoa học vì “những thí nghiệm với vướng mắc lượng tử, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và tiên phong khoa học thông tin lượng tử”.

leftcenterrightdel
 Những người đoạt giải Nobel vật lý năm 2022. Từ trái sang phải: Anton Zeilinger, John F. Clauser và Alain Aspect. (Ảnh: CNN)

Các nhà khoa học Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger từng thực hiện các thí nghiệm đột phá bằng cách sử dụng các trạng thái vướng mắc lượng tử, nơi hai phần tử hoạt động thống nhất ngay cả khi chúng tách rời nhau. Kết quả của họ đã mở đường cho công nghệ mới dựa trên thông tin lượng tử.

Kể từ khi nhà bác học Alfred Nobel lập ra giải thưởng Nobel năm 1901, đến nay đã có 116 giải Nobel Vật lý được trao, trong đó 47 chủ nhân giải thưởng được đứng tên một mình.

Trong số những người đoạt giải Nobel Vật lý, chỉ có 4 nhà khoa học nữ là Marie Curie (năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (1963), Donna Strickland (2018)và Andrea Ghez (2020). John Bardeen là học giả duy nhất hai lần đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1956 và 1972. Người đoạt giải trẻ nhất là Lawrence Bragg, ông nhận giải cùng cha mình vào năm 1915, khi mới 25 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất đoạt giải thưởng danh giá này là Arthur Ashkin, đoạt giải năm 2018, khi 96 tuổi.

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 3/10 với giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực Y Sinh được trao cho nhà khoa học Svante Pääbo của Thụy Điển “vì những khám phá của ông liên quan đến bộ gen của các loài vượn đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người”.

Sau giải Nobel Vật lý, các giải thưởng tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực