Chống bức cung, nhục hình: Nên rà soát lại đội ngũ điều tra viên

Thứ hai, 15/09/2014 10:54

(ĐCSVN) - Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, việc trang bị các thiết bị giám sát tại các phòng tạm giam, tạm giữ chưa phải là giải pháp tối ưu và có hiệu quả nếu như không có những con người trung thực, không có một hệ thống tổ chức giám sát việc thực hiện chặt chẽ.

LS Trương Trọng Nghĩa trả lời báo chí. (Ảnh: TH)

Phóng viên (PV): Với tư cách là luật sư (LS) đồng thời cũng là một đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về tình trạng bức cung, nhục hình trong các cơ quan điều tra hiện nay. Theo ông, con số cơ quan chức năng đưa ra đã phản ánh đúng thực tế hay chưa?

LS Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, tôi thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã phản ánh được một phần về tình trạng bức cung, dùng nhục hình thông qua những con số về các vụ việc bức cung, dùng nhục hình bị phát hiện, xử lý, song chưa phản ánh hết thực trạng này. Theo tôi, thực trạng bức cung, dùng nhục hình không chỉ là nằm ở con số bao nhiêu người bị bức cung, dùng nhục hình mà còn phải thể hiện qua những đánh giá về trình độ, phẩm chất của những người tiến hành tố tụng, vì hai yếu tố này có mối liên hệ với nhau. Thực tế, do tư duy, nhận thức, trình độ, bản lĩnh, đạo đức của người tiến hành tố tụng mà gây ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Nghĩa là, thực trạng bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng chưa được phản ánh ráo riết, chuẩn xác thì các giải pháp đưa ra cũng khó đầy đủ.

PV: Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tố tụng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc chống bức cung, dùng nhục hình bằng các giải pháp cụ thể. Ông nhìn nhận như thế nào về các giải pháp này?

LS Trương Trọng Nghĩa: Có một điểm chung giữa các ngành là ngành nào cũng thể hiện “quyết tâm chống bức cung, dùng nhục hình” vì đó là hành vi có hại, không thể khoan hồng, dung thứ. Có nhiều đề xuất hay như: Ngành Công an sẽ tập huấn các văn bản pháp luật, bố trí, sắp xếp lại nhân sự để giảm và hạn chế bức cung, dùng nhục hình; ngành Kiểm sát cũng nhấn mạnh phải xử lý hình sự những người có hành vi bức cung, dùng nhục hình nên kiên quyết khởi tố, truy tố chứ không để lọt người, lọt tội đối với hành vi này.

Nhưng đó cũng mới chỉ là“quyết tâm”! Với tư cách người hoạt động trong thực tiễn pháp luật, gần gũi và tiếp xúc cử tri thì tôi vẫn hết sức băn khoăn về việc các cơ quan tiến hành tố tụng có thể biến “quyết tâm” đó, đưa các quy định của pháp luật về chống bức cung, dùng nhục hình vào thực tiễn đến đâu?

Theo tôi, đó là cả một quá trình không dễ dàng, bởi thực tiễn không phải lúc nào cũng diễn ra như dự tính.

PV:
Có phải chúng ta đang thiếu một hệ thống giám sát, chế tài để buộc thực hiện những vấn đề đã đặt ra, trong đó có việc thực hiện các giải pháp để chống bức cung, dùng nhục hình?

LS Trương Trọng Nghĩa: Đúng vậy, vì tổ chức thực hiện pháp luật là rất phức tạp. Từ một điều luật, cơ quan, người đứng đầu phải có biện pháp để hiện thực hóa các quy định, giám sát để phát hiện sớm, không để xảy ra hậu quả nặng nề, xử lý cương quyết, nghiêm túc những người vi phạm thì mới ngăn chặn được vi phạm. Đó là trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Như tôi nói, đôi khi nó là một vấn đề khoa học, thuộc năng lực quản lý của mỗi người. Có những người không đủ năng lực quản lý, để xảy ra vi phạm mà không biết làm cách nào để ngăn chặn, xử lý.

PV: Một trong những giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình được đề cập nhiều là trang bị các thiết bị giám sát (ghi âm, ghi hình) tại các phòng tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, hiện nay chưa được triển khai rộng rãi vì một số lý do như: Kinh phí, điều kiện bảo quản thông tin và thiết bị …Điều này có phải là sự hạn chế, cản trở đối với cuộc chiến chống bức cung, nhục hình hay không?

LS Trương Trọng Nghĩa: Phải nói thêm rằng, đây là một trong những biện pháp, nhưng tôi nghĩ chưa phải tối ưu và có hiệu quả nếu như không có những con người trung thực, không có một hệ thống tổ chức giám sát việc thực hiện. Thực tế, bức cung, dùng nhục hình không chỉ xảy ra trong lúc hỏi cung, dưới các thiết bị giám sát, do các điều tra viên trực tiếp thực hiện, mà có thể diễn ra bằng nhiều hình thức, ở những thời điểm ngoài lúc hỏi cung, trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam. Ngay cả khi sử dụng thiết bị, người ta vẫn có thể xóa, cắt dữ liệu. Chính vì vậy, tôi cho rằng, quan trọng là phải có giải pháp để sử dụng, coi đó là một giải pháp chứ không phải giải pháp ưu việt, “nóng sốt”, giải quyết được mọi vấn đề nên cần đổ tiền, đổ công sức vào ngay.

PV: Trong “cuộc chiến” chống bức cung, dùng nhục hình này, theo ông, luật sư nên được đặt ở vị trí nào?

LS Trương Trọng Nghĩa: Từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm các nước đã thành công trong chống bức cung, dùng nhục hình, tôi cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là phải bảo đảm được quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có luật sư ngay từ đầu, để tránh có những hành vi điều tra không ai biết hay bức cung, dùng nhục hình. Và những bản cung được thành lập khi người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo chưa có luật sư sẽ không có giá trị pháp lý.

Như vậy, sự tham gia của luật sư ngay từ đầu vào quá trình tố tụng phải là nguyên tắc bắt buộc để chống bức cung, dùng nhục hình. Pháp luật của ta cũng đã quy định về vấn đề này như: Sau khi bị tạm giữ 24 tiếng hoặc nếu bị khởi tố thì trong vòng 3 ngày, luật sư có quyền gặp người bị tạm giữ, bị can. Tuy nhiên, trên thực tế, các quyền này hầu như là không thực hiện được, trừ các vụ án chỉ định như án vị thành niên, án có khung hình phạt đến tử hình thì các cơ quan tố tụng mới thực hiện mời luật sư từ rất sớm để hợp thức hóa thủ tục và hồ sơ điều tra.

Bên cạnh đó, luật sư cũng phải được quyền thu thập, đệ trình các chứng cứ do mình thu thập.

PV: Vậy, theo ông đâu sẽ là giải pháp căn cơ?

LS Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, các giải pháp đã có nhưng lâu nay thực hiện chưa tốt, nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần chống bức cung, dùng nhục hình. Như tôi đã nói ở trên, nếu luật sư được thực hiện đầy đủ hai quyền: Tham gia bắt buộc ngay từ đầu vào quá trình tố tụng và thu thập chứng cứ sẽ góp phần mạnh mẽ chống bức cung, dùng nhục hình.

Còn bức cung, dùng nhục hình trước hết do cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra) nên biện pháp nữa cần làm ngay là rà soát lại đội ngũ điều tra viên. Nếu kém quá thì không thể để tiếp tục làm công tác điều tra, vì thực chất, điều tra là cuộc “đấu trí” với tội phạm. Đa số các trường hợp tội phạm sẽ chối tội, nhất là các tội phạm chuyên nghiệp, nguy hiểm. Từ việc đấu trí không được sẽ dẫn đến các hành vi bức cung, dùng nhục hình để có các bản cung khai. Có những điều tra viên nhận thức không đúng nên sử dụng các biện pháp điều tra sai như: Luôn có định kiến với tội phạm, không thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nghĩa là không tiếp cận được những tư duy cải cách tư pháp trong điều kiện Việt Nam hội nhập thì phải bị sắp xếp lại. Như vậy, mới có thể góp phần giảm bức cung, dùng nhục hình.

Cùng với đó, phải chú trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa, trọng chứng hơn trọng cung. Mỗi cơ quan trong quá trình tố tụng đều có vai trò nhất định trong chống bức cung, dùng nhục hình nên cần phải phát huy từ chính yếu tố con người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

 

Thu Hằng (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực