Tọa đàm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch

Thứ hai, 15/11/2021 18:54
(ĐCSVN) –Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, trong đó trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Để phòng tránh dịch bệnh, trẻ phải ở nhà thay vì đến trường, nhịp sinh hoạt và học tập bị đảo lộn. Chưa bao giờ mà trẻ em lại buộc phải ở trong nhà lâu đến vậy, trong khi các em cần được vận động và giao tiếp với bạn bè, với mọi người xung quanh để phát triển cả về thể lực, trí lực và các kỹ năng xã hội của mình.

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Toạ đàm trực tuyến: “Chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể chất trong mùa dịch”. Chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Nhiều phụ huynh, thầy cô và ngay cả các bạn nhỏ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với trạng thái bình thường mới và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, trong khi dịch bệnh thì vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lượng và thời điểm trẻ có thể quay lại trường vẫn còn chưa xác định được.

leftcenterrightdel
 Các diễn giả tại điểm cầu trực tiếp (Ảnh: PV)

Với mong muốn chia sẻ những thông tin, kiến thức để hỗ trợ bậc cha mẹ, thầy cô và người chăm sóc trẻ về phương pháp để đồng hành và chăm sóc trẻ về cả tinh thần và thể chất trong mùa dịch một cách hiệu quả, trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, MSD đã thực hiện buổi toạ đàm “Chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ trong mùa dịch”.

Chia sẻ tại Tọa đàm về những khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội, học sinh Tô Hoàng Vi Anh bày tỏ lo lắng không chỉ cho bản thân và gia đình mà còn cho mọi người xung quanh. Giãn cách xã hội đã khiến cho cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, cũng không quen với việc học online mỗi ngày. Hàng ngày, khi nghe tin số ca nhiễm tăng lên liên tục, con cũng cảm thấy rất băn khoăn rằng bao giờ tình trạng này mới chấm dứt. Đồng thời, khi học online, sẽ phải nhìn vào màn hình trong thời gian rất lâu, ảnh hưởng đến mắt cũng như dẫn đến tình trạng cơ thể sẽ nặng nề hơn do không được vận động nhiều.

Chia sẻ thêm về trải nghiệm thời COVID, học sinh Nguyễn An Huy cho rằng, bản thân đã bị cận nên khi phải tiếp xúc nhiều với máy móc, càng khiến bạn cảm thấy lo sợ rằng không biết mình có bị tăng độ cận hay không. Thêm nữa, khi phải học online ở nhà, cảm giác tù túng và khá bí bách.

Là một người bố trẻ có con trai đang là học sinh lớp 1, anh Lê Xuân Đức cũng bày tỏ sự đồng cảm với các phụ huynh đang đồng hành cùng con trong giai đoạn giãn cách. Trong khi đó, từ góc độ của một người có chuyên môn, bác sỹ Mai Xuân Phương cho biết: “Đến thời điểm này, chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 3 đối diện với COVID, tổn thương đối với các em là vô cùng lớn. Vì vậy, vai trò của bố mẹ trong việc hướng dẫn các con rất quan trọng. Bác sỹ Mai Xuân Phương cũng có những hướng dẫn dành cho bố mẹ trong việc đồng hành cùng con xây dựng những kỹ năng cần thiết, quan trọng là trang bị cho trẻ có những kĩ năng sống, kĩ năng mềm, quan trọng nhất là kĩ năng giao tiếp: làm quen và tạo mối quan hệ, quan sát, sử dụng ngôn ngữ không lời, phản hồi, khích lệ và động viên, kĩ năng thành thật, không nói dối, từ chối lịch sự, lắng nghe, tổng hợp, nói và thuyết trình. Những kĩ năng này sẽ giúp em dễ dàng thích nghi và tương tác với các bạn kể cả trong giai đoạn giãn cách.

Tọa đàm cùng thống nhất với thông điệp, hãy đồng hành cùng con và chú trọng, quan tâm con về cả thể chất lẫn tinh thần để con vẫn có thể phát triển một cách tích cực trong thời kỳ dịch bệnh./.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực