Nam Định ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế

Thứ bảy, 12/10/2024 15:55
(ĐCSVN) - Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch về hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó mục tiêu được xác định: ”Hành động về tăng trưởng xanh góp phần vào mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã tập trung nguồn lực theo hướng ứng dụng, bám sát các chương trình, kế hoạch, phục vụ phát triển kinh tế xanh của tỉnh:

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tỉnh đã ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững các công nghệ mới, công nghệ xanh, sạch vào các lĩnh vực kinh tế của tỉnh, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ có hại đến sức khỏe con người và tài nguyên, môi trường phục vụ phát triển kinh tế xanh của tỉnh. Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được triển khai tập trung vào các ngành/lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển nông thôn; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số,...

 Lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn:  Các nghiên cứu, ứng dụng đều hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ cụ thể: xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định; nghiên cứu tuyển chọn, lưu giữ và nhân nuôi sinh khối một số loài tảo biển giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống trên địa bàn tỉnh Nam Định; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất probiotic - đa enzyme và ứng dụng bổ sung trong thức ăn nuôi  trồng  thủy  sản, xử lý môi trường nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững tại tỉnh Nam Định; sản xuất thử và hoàn thiện quy trình canh tác giống lúa thuần KOJI tiến tới công nhận lưu hành giống cây trồng...

 Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KNĐMST Thành Nam năm 2024” là hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nuôi thủy hải sản, giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thiện 20 quy trình công nghệ của lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất các giống lúa năng suất chất lượng cao...

Lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường: Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ tập trung vào các vấn đề cấp thiết nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học,... với một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ tiêu biểu như: xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bằng các loại cây có khả năng thích nghi tốt hơn tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ như: bần chua, bần không cánh; nghiên cứu nguyên nhân bồi tụ cửa Hà Lạn sông Sò và đề xuất giải pháp ổn định để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân  Tiến,  huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường được thí điểm thành công và được đánh giá cao với quy mô xử lý 1m3/ ngày đêm rất phù hợp với các hộ sản xuất trong các làng nghề và có khả năng nhân rộng cao do giá thành đầu tư hợp lý; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc tự động hóa đo độ mặn và mực nước tại hệ thống thủy lợi huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định...

Lĩnh vực công nghiệp: Đã thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ như: nghiên cứu thiết kế, chế tạo và ứng dụng thử nghiệm thiết bị điều khiển đèn chiếu sáng công cộng từ trung tâm thông qua mạng thông tin di động trên một số tuyến phố - thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định; nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Nam Định nhằm hỗ trợ Sở Công Thương làm tốt công tác quản lý, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Nam Định,...

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính, xây dựng trường học thông minh, đô thị thông minh, đã thực hiện một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ như: hỗ trợ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong giáo dục tại 04 trường tiểu học, trung học, phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình dạy học kết hợp tại trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định; ứng dụng công  nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định; phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tại tỉnh Nam Định.

Về hoạt động thẩm định công nghệ

Công tác thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư được thực hiện nghiêm túc theo quy định góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghệ lạc hậu gây lãng phí đầu tư và ô nhiễm môi trường. Đã tổ chức hội đồng thẩm định công nghệ 03 dự án trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư (Nhà máy điện rác Greenity Nam Định; Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định; Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng).

Tham gia ý kiến về công nghệ cho các dự án đầu tư, cụ thể: Dự án tổng kho xăng dầu Trường An của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân, huyện Hải Hậu; Dự án xây dựng nhà máy thực phẩm công nghệ cao tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản; Phương án xử lý nước thải dự án mở rộng công suất của nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Bảo Minh; Phương án xử lý Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Hoà Xá,...

Về hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đang quản lý 81 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị X-quang  chẩn  đoán  trong  y  tế  với  09 thiết bị phổ kế huỳnh quang tia X xác định tuổi vàng, 01 nguồn gắn kèm thiết bị dùng trong công nghiệp,  04 máy phát tia X dùng trong công nghiệp, 01 máy gia tốc xạ trị và 107 thiết bị X-quang đang hoạt động. Các thiết bị  đều được Cục An toàn bức xạ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp phép hoạt động.

Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh” giúp các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính, giảm thời gian chờ, đảm bảo đáp ứng quy định đo lường như lượng hàng đóng gói sẵn; giúp hệ thống nông nghiệp thông minh điều chỉnh phù hợp với cây trồng vật nuôi, đồng thời tiết kiệm năng lượng, thức ăn chăn nuôi, phân bón...; góp phần xây dựng đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng đặc biệt trong tiêu thụ điện.

Trong năm qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, chứng nhận sản phẩm phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia. Hướng dẫn 60 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, 15 doanh nghiệp công bố sản phẩm phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 10 loại sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.

Một số định hướng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững cùng với tập trung cơ cấu lại nền  kinh  tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần phải có các hành động cụ thể làm giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ; đồng thời ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, nâng cao năng lực toàn diện của nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Ưu tiên các hoạt động nâng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản; bảo tồn và lưu giữ nguồn gen các cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh; đồng thời, chọn tạo và tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về quy trình thâm canh tổng hợp, kiểm soát dịch bệnh, phân bón,... tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong quản lý, điều hành các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Nam Định ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản. Ảnh": vjst.vn

Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở xây dựng và phát  triển các chuỗi liên kết. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế (Viet GAP, Global GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng  suất xanh, năng  suất bền vững trong sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cao cấp, nuôi thương phẩm các giống vật nuôi và các loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực  phẩm,  môi  trường, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế. Hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo thống nhất, chuẩn hóa về hình thức, minh bạch và rõ ràng về thông tin theo các yêu cầu của tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, nâng cao, phát triển công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp hóa dược, cơ điện tử, các ngành tự động hóa, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng về quản lý sáng tạo, các công cụ cải tiến hỗ trợ cho cung ứng, sản xuất và dịch vụ thông minh và nâng cao năng suất chất lượng trong các lĩnh vực chuyên ngành, nâng cao năng suất xanh, năng suất bền vững, chuỗi giá trị tuần hoàn; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, phát triển thương  mại  điện  tử;  khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, đưa công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất và dịch vụ.

Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến trong quá trình sản xuất; cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo.

Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ứng dụng các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong xây dựng đô thị thông minh và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh và tiếp tục áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Từng bước tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh.

Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến để khai thác,  sử  dụng  hợp  lý,  hiệu  quả  đất  đai  và  tài  nguyên  thiên nhiên, phục vụ hoạt động quan trắc, thu thập, xử lý, quản lý các dữ liệu tài nguyên và môi trường. Đồng thời, hạn chế, ngăn chặn và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xử lý rác thải trong sinh hoạt, xây dựng, sản xuất; xử lý phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng môi trường, các công cụ nâng cao năng suất xanh.

Nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án phát triển khoa học, công nghệ có liên quan đến công tác dự báo, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, các tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết cực đoan (lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ bất thường...) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời xác định các giải pháp ứng phó có hiệu quả. Nghiên cứu lồng ghép các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình, đề án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Lan Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực