Cô Tô: Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo

Thứ ba, 07/12/2021 16:13
(ĐCSVN) – Nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô là huyện đảo có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch.

Cô Tô có tên gọi cổ là Chàng Sơn, tức Núi Chàng, có sách cổ gọi là "Cầu Đầu", tức là nơi có nhiều núi chụm lại giữa biển. Huyện đảo có diện tích 46,2km2 với khoảng 50 đảo, trong đó, Cô Tô lớn và Cô Tô con là 2 đảo sở hữu những bãi biển đẹp hoang sơ, mộc mạc.

Những năm gần đây, huyện đảo Cô Tô đã trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sự khác biệt của Cô Tô so với những huyện đảo khác, đó là Cô Tô có một vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, có hệ sinh thái thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều nét văn hóa riêng của con người vùng biển. Mặc dù đã được đô thị hoá khá nhiều, nhưng một số tuyến phố tại đây vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng, nổi bật là những hàng phi lao và rừng thông xanh mát, những cánh rừng nguyên sinh với diện tích tương đối lớn…

Biển đảo Cô Tô. (Ảnh: HL) 

Rời bỏ sự náo nhiệt của phố thị, đến Cô Tô, du khách được trở về với thiên nhiên yên bình, khoáng đạt, hòa mình vào vịnh biển dịu êm, cánh rừng rợp mát bóng cây hay bãi đá nhấp nhô, kỳ vĩ. Nằm ở vị trí biệt lập, Cô Tô phù hợp cho những ai muốn tìm chốn nghỉ ngơi yên tĩnh, an toàn trong thời dịch. Nơi đây còn níu chân du khách bởi hải sản tươi ngon, có thể thưởng thức ngay tại bãi biển, không cần phải đi xa đến nơi đông đúc.

Đến Cô Tô, du khách khó có thể bỏ qua một số điểm tham quan nổi tiếng như: Bãi đá Móng Rồng với lớp trầm tích đặc biệt, được hình thành từ hàng nghìn năm trước, cũng là nơi đón bình minh đẹp nhất trên đảo; con đường tình yêu với hai bên là rừng phi lao lãng mạn; cây cầu gỗ giữa biển – điểm check-in hấp dẫn của giới trẻ. Cách đó không xa là ngọn hải đăng Cô Tô được xây dựng từ thế kỷ XIX, được ví là 1 trong số hơn 30 "con mắt biển đêm" đang hoạt động trên vùng lãnh hải Việt Nam. Tại trung tâm của huyện, du khách còn được thăm và tìm hiểu quần thể di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm hấp dẫn nhất với du khách là Cô Tô còn có những bãi biển đẹp với bờ cát trải dài, trắng mịn như Hồng Vàn, Vàn Chảy... Ngoài ra còn có rất nhiều điểm được du khách yêu thích như Bãi đá Móng Rồng với lớp trầm tích đặc biệt cũng là nơi đón bình minh đẹp nhất trên đảo; con đường tình yêu với hai bên là rừng phi lao lãng mạn, hay cây cầu gỗ giữa biển…

Cách đó không xa là ngọn hải đăng Cô Tô được xây dựng từ thế kỷ XIX, được ví là 1 trong số hơn 30 "con mắt biển đêm" đang hoạt động trên vùng lãnh hải Việt Nam. Tại trung tâm của huyện, du khách còn được thăm và tìm hiểu quần thể di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến Cô Tô, du khách còn được tham gia nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, cộng đồng, du lịch văn hoá gắn với các di tích lịch sử, làng chài truyền thống... Trong đó có rất nhiều tour, tuyến đang thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ như: “Một ngày làm ngư dân”, "Hành trình vì biển đảo quê hương”...

Xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Cô Tô, để thích ứng nhanh trong trạng thái bình thường mới, ngay sau khi được cho phép mở cửa trở lại có kiểm soát các hoạt động dịch vụ, du lịch, Cô Tô đã xây dựng các phương án cụ thể để phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách.

So với những năm trước, thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng du khách đến với Cô Tô chưa nhiều, nhưng địa phương cũng không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch. Các lực lượng kiểm soát y tế vẫn duy trì nghiêm túc, chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho mọi du khách khi đến đảo.

Theo định hướng phát triển du lịch của huyện đến năm 2025, Cô Tô sẽ phát triển thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia; là một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà – Hạ Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái – Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên các đảo. Tính đến nay, Cô Tô có trên 226 cơ sở lưu trú với trên 2.800 phòng nghỉ; 35 cơ sở ăn uống và 32 điểm giải trí.

Nói về hướng phát triển du lịch của địa phương trong tương lai, ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Bên cạnh việc phát triển dịch vụ homestay do các hộ dân kinh doanh theo hình thức du lịch cộng đồng, hiện nay, huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở lưu trú từ 3 - 4 sao. Đồng thời xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch đêm tại tuyến phố đi bộ để có thêm nhiều điểm đến phục vụ du khách.

Cùng với phát triển du lịch, huyện cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhiệm vụ trước mắt là làm sạch môi trường biển tại những bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy và con đường tình yêu để đón khách một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn...

Hiện, huyện đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là mùa du lịch thấp điểm, triển khai số hóa thông tin du lịch, xây dựng đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông minh, phát triển các sản phẩm du lịch, các điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp du lịch khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc để thu hút khách mùa thu đông.

Với kết quả đã đạt được và mục tiêu cụ thể, cùng cảnh quan thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng, có thể thấy Cô Tô đang tạo được những cơ sở vững chắc, có những bước tiến quan trọng trong phát triển du lịch dịch vụ cũng như hiện thực định hướng phát triển du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao trong tương lai. Sau đại dịch COVID-19, đây cũng hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng, thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm khám phá.

Thanh Lân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực