Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ chưa có chiến lược kinh doanh tốt

Thứ ba, 27/11/2018 23:23
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, khối doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có trình độ nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động.

Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ”, do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Viện Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam, ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ, không thể không nhắc đến hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động. Trong nhiều năm tới, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là một trong những động cơ chính cho nền kinh tế Việt Nam.


PGS.TS Hoàng Trần Hậu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NP.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu cho biết: Thực tế khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô (tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động, thị phần…), thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường từng bước và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NP.

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ được quy định là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2017, tỷ trọng đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã đóng góp khoảng 43% GDP. Khu vực KTTN đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội… Mặc dù khu vực KTTN đóng góp gần 50% GDP, nhưng doanh nghiệp (DN) tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Nghĩa là số đông trong khu vực KTTN vẫn là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ, siêu nhỏ, mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích việc chuyển đổi này, nhằm tăng khu vực DN chính thức, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN.

Theo số liệu thống kê từ tổng điều tra kinh tế – xã hội năm 2017, số DN siêu nhỏ trong năm vừa qua tăng 65,5% so với năm trước đó, chiếm 74% tổng số DN ở Việt Nam. Riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng. Số DN mới phần lớn có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số DN đăng ký mới.

Thực tế cho thấy quy mô của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ (98,6% số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70%)(11); tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%. Do quy mô nhỏ, nên số lượng lao động trong mỗi doanh nghiệp cũng khá nhỏ, trung bình là 18 lao động đặt trong so sánh với doanh nghiệp nhà nước là 504 lao động, doanh nghiệp FDI  là 312 lao động. Khu vực kinh tế tư nhân tương đối thấp so với các khu vực kinh tế khác. Chỉ có 11% DN tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và có 14% DN tư nhân bán hàng cho các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.


TS. Võ Trí Thành phát biểu tại Hội thảo.

Theo phân tích của Nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, thời gian đầu mới thành lập, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, sau đó các doanh nghiệp này thường không mạnh dạn đột phá, và thiếu vốn, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay đối với các hộ kinh doanh cá thể. Hơn nữa, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, không ít hộ kinh doanh cá thể sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn huy động được. Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh tốt.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, khối doanh nghiệp siêu nhỏ có trình độ nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm về quản lý điều hành tài chính, chưa quyết đoán trong việc ra các quyết định đầu tư nên không ít hộ kinh doanh cá thể đã không sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được.

Đặc biệt, tình trạng phá sản, không thu hồi được vốn, diễn ra khá phổ biến. Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa có kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính nên gây ra tình trạng lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản như: Tổng quan về doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, chính sách trợ giúp phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam; Chính sách thuế: Miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam.../.

NP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực