Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Chủ nhật, 06/10/2019 20:15
(ĐCSVN)- Ngày 6/10, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp quý III nhằm thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội năm 2019, báo cáo những kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2019.
Quang cảnh Hội nghị quý II (Ảnh: Theo Báo Quảng Ninh)

Theo thống kê, đến hết tháng 9/2019, tổng số doanh nghiệp thành lập mới tại Quảng Ninh là 1.700, với số vốn doanh nghiệp đăng ký ước đạt 10.486 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 5,88 tỷ đồng; số doanh nghiệp giải thể ước đạt 240 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2018; số doanh nghiệp qua thời kỳ khó khăn hoạt động trở lại ước 536 doanh nghiệp, tăng 36% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng ước 655, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Hội nghị là dịp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đối thoại, giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; trao đổi, chia sẻ, tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để có nhiều giải pháp mới, cụ thể, thiết thực và phù hợp với tình hình của năm 2019 nhằm góp phần thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua; đồng thời, cũng chính là diễn đàn mở để hai bên trao đổi, chia sẻ những sáng kiến, giải pháp, cách làm hiệu quả trên tinh thần “sự phát triển của doanh nghiệp cũng là của tỉnh và ngược lại”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp; đồng thời, ông Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ cam kết tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, thủ tục, mặt bằng, nhân công để doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Quảng Ninh luôn đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần tuân thủ luật pháp, các quy định của nhà nước, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp…

Ông Trần Minh Phong, Giám đốc Công ty Giải pháp phát triển toàn diện cho doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 rất cần công nghệ thông tin, marketing, truyền thông, quảng bá sản phẩm… Tuy nhiên, với những doanh nghiệp trẻ, đi sau gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh hay các doanh nghiệp ngại thay đổi, ngại tiếp xúc với cái mới. Do đó, tỉnh cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ.

Đại diện doanh nghiệp nước mắm sá sùng Cái Rồng chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp đã không ngừng phát triển thương hiệu, nâng cao sản phẩm và nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh như nhãn hiệu, kiểu dáng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất chật hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu, qua đó tỉnh xúc cần tiến nhanh cụm công nghiệp Vân Đồn để doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm, chú trọng các sản phẩm về nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Ông Lê Đình Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Uông Bí cho rằng, tỉnh nên có cuộc thi sáng tạo cho các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tinh thần sáng tạo sản phẩm chất lượng, góp phần tạo sân chơi cho các doanh nhân đóng góp ý tưởng cho sản xuất; đồng thời, công tác kiểm tra cần minh bạch, rõ ràng và đơn giản thủ tục.

Thu An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực