Thị trường đầy tiềm năng
Sau đại dịch COVID-19, các thị trường khách nước ngoài truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng có phần chững lại. Trong khi đó, du lịch Hồi giáo lại có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và đây là dòng khách ngành du lịch Quảng Ninh ưu tiên hướng tới. Để nắm bắt cơ hội này, Quảng Ninh đã là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tìm kiếm các giải pháp đón dòng khách đặc biệt này.
Bà Nguyễn Thị Huyền Anh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh chủ yếu từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã có buổi tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ dòng khách này.
|
Du khách Ấn Độ tổ chức đám cưới trên du thuyền tại Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Hoàng Quỳnh) |
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch Hồi giáo (Halal) được xác định là thị trường du lịch tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ USD.
Đối với thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh) cho đến trước dịch COVID-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách.
Hiện nay, du lịch Hồi giáo ở nước ta chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Sân bay trên cả nước chỉ có một phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo và khu ẩm thực Halal được ra đời tại sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, nơi này không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi mà chỉ dành cho 70 khách VIP hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo. Con số này chiếm tỉ lệ tương đối ít so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…. Ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này như: tổ chức đón các đoàn FAM trip, Press trip từ các nước Hồi giáo sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch Việt Nam, giao lưu doanh nghiệp du lịch hai nước do Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Trung Đông làm đầu mối phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và doanh nghiệp du lịch hai nước tổ chức. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Iran tổ chức đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Việt Nam sang Iran tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Iran, tìm hiểu văn hóa, đất nước con người Hồi giáo và kết nối doanh nghiệp du lịch hai nước. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.
Hướng đến thỏa mãn nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo
Cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh, đại diện nhiều hãng lữ hành quốc tế lớn của Ấn Độ và Việt Nam đã phân tích điểm mạnh và những hạn chế về sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch Hồi giáo trong bối cảnh hiện nay.
|
Chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo. (Ảnh: Báo đầu tư) |
Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, chú trọng khu vực Trung Đông. Khách du lịch từ khu vực Trung Đông ngoài đặc điểm chung là theo đạo Hồi, còn có đặc điểm riêng là thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư, có spa, safari cho trẻ con, kết hợp đi du lịch để tìm cơ hội thương mại, đầu tư. Do vậy, cần tập trung nghiên cứu đầu tư nâng tầm dịch vụ phục vụ nhu cầu đặc biệt của khách Hồi giáo. Tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ.
Cùng với đó, Việt Nam chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo, các sản phẩm thực phẩm có tem chứng nhận Halal được người Hồi giáo tin dùng; chú trọng xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… đảm bảo sự tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Bà Trần Nữ Ngọc Anh, chuyên gia Dự án EU, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á cho rằng, cần hướng đến thỏa mãn nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo, tạo dựng vị thế phù hợp nhất của điểm đến trên thị trường.
"Marketing điểm đến du lịch sẽ là cầu nối gắn kết, liên hệ đa dạng và chặt chẽ giữa điểm đến và khách hàng tiềm năng. Đối với khách du lịch Hồi giáo, marketing điểm đến cần nhấn mạnh vào những đặc điểm phù hợp với phong tục, thói quen sinh hoạt tôn giáo và đáp ứng được mong muốn của họ như: khách sạn có khu đón tiếp riêng biệt cho từng đoàn khách, dịch vụ ăn uống đáp ứng tiêu chí khắt khe về nguồn thực phẩm và linh hoạt theo yêu cầu của du khách Hồi giáo, phòng nghỉ được bố trí thảm, quần áo hành lễ và đánh dấu hướng hành lễ để thuận tiện cho việc thực hiện nghi lễ tôn giáo", bà Trần Nữ Ngọc Anh nhận định.
Bà Trần Nữ Ngọc Anh cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp du lịch muốn dịch chuyển xu hướng kinh doanh để đón dòng khách du lịch Hồi giáo cần thiết kế, xây dựng trang web hướng tới khách Hồi giáo. Doanh nghiệp có thể kiến tạo trang web của mình trở thành một hệ sinh thái hướng tới Halal, là tiếng nói của cộng đồng du lịch Halal Việt Nam, nơi kết nối các doanh nghiệp du lịch, chia sẻ cơ hội để cộng đồng du lịch Halal tìm thấy doanh nghiệp của mình.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh, để thu hút được khách Hồi giáo, Quảng Ninh phải có cơ sở hạ tầng tốt phù hợp với thói quen của họ, có các sản phẩm chứng nhận Halal và mời các chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.
Ông Atanu Dey, Giám đốc điều hành Công ty CCTT Global Việt Nam, cho rằng, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long nổi tiếng, là thị trường du lịch tiềm năng đối với khách du lịch Ấn Độ. Do đó, tỉnh cần làm mạnh hơn nữa công tác marketing, giới thiệu điểm đến, tiềm năng du lịch đối với khách du lịch Hồi giáo nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng.