Quảng Ninh luôn chú trọng khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch biển, đảo
(Ảnh: QM)
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều dự án, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn, với những giải pháp phù hợp thực tế từng địa phương, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội khu vực biển đảo của tỉnh Quảng Ninh đã ngày càng phát triển. Các hoạt động kinh tế biển, đảo được quan tâm chỉ đạo, đầu tư; đời sống người dân được cải thiện.
Cụ thể, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế biển, Quảng Ninh đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển, đảo. Qua đó, kinh tế biển có bước phát triển mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường. Đặc biệt, Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh khu vực biển, đảo và vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng. Trọng tâm của phát triển cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hải Hà), 6 cảng (Hòn Gai, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Cô Tô), các bến phao, khu neo đậu chuyển tải với hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển đồng bộ...
Chính việc dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực cảng biển đã mang lại hiệu quả tích cực trong tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ, công nghiệp của tỉnh. Trong khoảng thời gian 3 năm qua, khu vực cảng biển Quảng Ninh đã liên tục đón nhiều hãng tàu trọng tải lớn trên thế giới. Từ năm 2017 đến nay, lượng hàng hóa thông qua các cảng Quảng Ninh đạt 205,5 triệu tấn; thu hút 37.648 lượt tàu biển và 270.312 hành khách, thu phí và lệ phí qua cảng đạt 778,5 tỷ đồng. Riêng 7 tháng năm 2018, tàu thuyền ra vào cảng đạt 64.834 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 45,4 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.
Xác định du lịch dịch vụ biển đảo chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã không ngừng thu hút, kêu gọi và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đến nay, khu vực ven biển có gần 1.200 cơ sở lưu trú, cung ứng trên 19.000 buồng, phòng; nhiều công trình, cơ sở, hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển đã và đang được hoàn thiện, tạo sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước... Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, 9 tháng năm 2018, tổng lượng khách đến với Quảng Ninh ước đạt gần 10 triệu lượt, đạt 83% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt trên 36 triệu lượt, tăng 19%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm và tăng 29% so với năm 2017. Trong tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh có khoảng hơn 70% khách du lịch đã tham gia các tour tuyến biển, đảo.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Quan Lạn tuyên truyền về các quy định liên quan đến bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo cho ngư dân (Nguồn ảnh: baoquangninh.com)
Bên cạnh đó, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, thế trận quốc phòng trên biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh đã được tăng cường. Công tác giáo dục quốc phòng an ninh biển cho người dân trong tỉnh được các đơn vị đẩy mạnh, đặc biệt là triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về lãnh hải và chủ quyền biển đảo, nhất là không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Đồng thời, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo; tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương vùng biển, đảo trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước về biển, đảo đã được ban hành và hướng dẫn thực hiện khá cụ thể. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Đại tá Trần Văn Bừng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, việc gắn kết phát triển kinh tế biển, đảo với củng cố quốc phòng an ninh đã có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường tiềm lực tại chỗ đối với các khu vực biển đảo; tạo dựng, củng cố niềm tin để đồng bào, nhân dân địa phương thực sự yên tâm, tin tưởng gắn bó với biên cương, biển, đảo của Tổ quốc.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cùng với việc khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển đảo, Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, là xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các tầng lớp dân cư vùng biển, đảo với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội biên phòng, nhằm giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đó là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh vừa khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.