Đây là mục tiêu và cũng là tầm nhìn chiến lược được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Lắk đặt ra tại các văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu và tầm nhìn trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk tại Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 18/4/2023 đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để chỉ đạo xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, với hệ thống quy hoạch quốc gia và phù hợp chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
|
Phát triển tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. |
Theo Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, bám sát Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời với đó, ngoài việc nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk cũng tập trung lãnh đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức thi công các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển địa phương như định hướng mà Trung ương và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xác định.
Tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ tình hình nội tại, dự báo trong thời gian đến Đắk Lắk sẽ có một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Trong đó, đang kể như: mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật-xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng còn thiếu đồng bộ, quy mô còn thấp. Hệ thống giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa cao; phát triển kinh tế của tỉnh chưa đồng đều; các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn phát triển chậm. Cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường, tạo ra những thách thức lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh...
Vì vậy, trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk xác định sẽ tập trung vào chỉ đạo, triển khai thực hiện số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đầu tiên là quan tâm khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; quyết tâm hoàn thành thắng lợi mức cao nhất mọi nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp; phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh.
|
Đến nay Đắk Lắk đang tiếp tục tập trung rà soát, ban hành, bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội địa phương đảm bảo đúng định hướng phát triển đã đề ra. |
Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững dựa trên bốn trụ cột tăng trưởng là “Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ-logistics-du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số”. Trong đó, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên.
Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là tăng dần kinh tế số. Chú trọng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tập trung phát triển các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Chú trọng có giải pháp hữu hiệu huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội then chốt. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, triển khai dự án.
Khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và các dự án hạ tầng giao thông khác trên địa bàn tỉnh nhằm kết nối giữa các địa phương, giữa vùng nguyên liệu và nơi đặt nhà máy sản xuất, chế biến...
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, du lịch, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế...
|
Đắk Lắk là địa phương có tiềm năng du lịch lớn đối với vùng Tây Nguyên. |
Chia sẻ thêm những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, trọng tâm mà UBND tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyên Tuấn Hà thông tin: Tại Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 10/7/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo đến các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh, đáng chú ý là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn… UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện và tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tốc độ tưng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất, Đắk Lắk sẽ tập trung xây dựng một số thương hiệu sản phẩm quốc gia như cà phê, cao su, sầu riêng, bơ, hồ tiêu, mắc ca… Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ hình thành, phát triển các hình thức tổ chức thị trường hiện đại như sàn giao dịch hàng hoá cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của vùng; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Tỉnh cũng phấn đấu phát triển TP Buôn Ma Thuột là trung tâm dịch vụ hàng đầu của vùng Tây Nguyên về tài chính, thương mại, logistics, du lịch… và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế, góp phần phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ, thương mại trên địa bàn./.