Thứ năm, 30/11/2017 18:15 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Nghiên cứu công bố ngày 29/11 của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) và Học viện Phụ nữ Toàn cầu (thuộc Đại học George Washington) cho biết, tỷ lệ các vụ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Nam Sudan hiện ở mức cao nhất trên thế giới.
Phụ nữ Nam Sudan đối mặt với nhiều nguy cơ bạo hành từ bên trong và ngoài gia đình (Ảnh: Sudan Tribune)
Báo cáo cho biết, 65% phụ nữ trả lời phỏng vấn nói rằng, họ đã từng bị bạo hành thể xác, trong đó hơn một nửa trong số họ bị lạm dụng ngay trong chính gia đình.
Báo cáo chỉ ra rằng, phụ nữ và trẻ em gái sống ở điểm bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc ở thủ đô Juba là những người dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực tình dục.
Theo báo cáo, các hình thức bạo hành phổ biến nhất xảy ra trong chính gia đình những người phụ nữ, do chồng hoặc bạn tình của họ gây ra.
Trong khi đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng 33% phụ nữ được khảo sát ở Rumbek, thủ phủ bang Western Lakes và những người sống ở các điểm bảo vệ dân thường của Liên hợp quốc ở Bentiu và Juba cho biết, họ từng bị bạo lực tình dục bởi những người không phải là bạn tình, nhiều vụ trong số đó có liên quan đến các vụ đột kích, di dời hoặc bắt cóc.
Theo Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu hộ quốc tế David Miliband, báo cáo cho thấy quy mô rộng lớn của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Nam Sudan. “Một điều quan trọng mà nghiên cứu chỉ ra là chúng ta cần đánh giá lại những mối đe dọa đối với phụ nữ và trẻ em gái ở những khu vực xảy ra xung đột. Bởi họ không chỉ đối mặt với nguy cơ bị tấn công từ các băng nhóm và phần tử vũ trang mà còn từ chính gia đình của họ, từ bạn tình hoặc các thành viên trong gia đình”, ông nói.
Theo Liên hợp quốc, bạo hành giới đang diễn ra liên tục và trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Nam Sudan khi mà có tới 98% các vụ bạo hành giới ở nước này trong năm 2016 xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái. Liên hợp quốc cho biết các hình thức bạo hành giới xảy ra dưới dạng hãm hiếp, tấn công tình dục, bạo lực gia đình, tảo hôn.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do quốc gia này phải trải qua hàng thập kỷ xung đột vũ trang cùng với các yếu tố khác về văn hóa, xã hội và kinh tế. Ước tính có khoảng 4 triệu người dân nước này đã phải rời bỏ nhà cửa đi tha hương ở trong và ngoài nước./.
Kiều Giang (theo Sudan Tribune)