Báo động tỷ lệ sản phụ tử vong ở Afghanistan

Thứ tư, 27/12/2023 20:46
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Những hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế và sự hà khắc dưới thời Taliban đã khiến phụ nữ Afghanistan chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, các sản phụ Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng đáng báo động về tỷ lệ tử vong trong thời kỳ sinh nở.

Tỷ lệ sản phụ tử vong cao nhất thế giới

Zubaida - một phụ nữ mang thai đã lặn lội đi từ vùng nông thôn Khost, miền Đông Afghanistan để đến sinh con tại một bệnh viện phụ sản chuyên tiếp nhận những ca phức tạp ở thành phố. Bởi cô lo sợ những rủi ro có thể xảy ra đối với mình và em bé - giống như số phận không may của nhiều sản phụ khác ở Afghanistan.

Dù kiệt sức sau khi sinh nở, Zubaida vẫn thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình đang nằm trong cũi. “Nếu tôi sinh con tại nhà, có thể đã có những biến chứng xảy ra đối với em bé và với cả tôi”, cô nói.

 Những người phụ nữ Afghanistan bế ẵm những đứa con mới sinh của họ tại bệnh viện phụ sản do Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) điều hành ở thành phố Khost, miền Đông Afghanistan. (Ảnh: Kobra Akbari /AFP)

Nhưng không phải tất cả những phụ nữ đến được bệnh viện đều may mắn như vậy. Therese Tuyisabingere - Trưởng bộ phận hộ sinh tại bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở thủ phủ tỉnh Khost cho biết: “Đôi khi chúng tôi tiếp nhận những bệnh nhân đến quá muộn để có thể cứu sống họ”.

Cơ sở  y tế này đón nhận 20.000 trẻ sơ sinh mỗi năm, gần một nửa số trẻ sinh ra trong tỉnh và chỉ tiếp nhận những trường hợp mang thai có nguy cơ cao và phức tạp.

Cô Tuyisabingere và khoảng 100 nữ hộ sinh của bệnh viện đang ở tuyến đầu của cuộc chiến nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ ở Afghanistan. Tuy nhiên cô cho rằng, đây là một thách thức lớn đối với những hộ sinh như cô, bởi có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn với các sản phụ khi sinh nở và nhiều người trong số họ thậm chí chưa từng được khám sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, người phát ngôn của Liên hợp quốc - ông Stephane Dujarric cho biết, Afghanistan nằm trong số những nước có tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất trên thế giới. Ông Dujarric dẫn số liệu cho thấy cứ hai tiếng đồng hồ lại có một phụ nữ trong thời kỳ sinh nở tử vong.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính từ năm 2017, Afghanistan ghi nhận tỷ lệ tử vong mẹ ở mức cao, cứ 100.000 ca sinh trẻ còn sống thì có 638 bà mẹ tử vong.

Việc không tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế đã gây ra hậu quả thảm khốc cho những người Afghanistan dễ bị tổn thương, đặc biệt là các bà mẹ phải đối mặt với các biến chứng khi mang thai, sinh nở; trẻ em bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, COVID-19, dịch tả và sốt xuất huyết. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, ít nhất 167 trẻ em Afghanistan chết mỗi ngày vì các vấn đề sức khỏe có thể chữa trị được.

Phụ nữ Afghanistan chịu nhiều thiệt thòi dưới thời Taliban

Ước tính có khoảng 40% phụ nữ Afghanistan sinh con tại nhà, nhưng con số này tăng lên tới 80% ở các vùng sâu, vùng xa. Những trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà thường có sự giúp đỡ của mẹ chồng, tuy nhiên cũng có nhiều người phải tự xoay sở sinh con một mình.

Việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế  khiến nhiều sản phụ phải đối mặt với các biến chứng khi mang thai, sinh nở  (Ảnh: Kobra Akbari/AFP)

Nhiều báo cáo cho thấy sự chênh lệnh lớn về tỷ lệ tử vong mẹ giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị của quốc gia Trung Nam Á này. Theo số liệu của Norwegian Afghanistan Committee (NAC) - tổ chức phi lợi nhuận được thành lập ở Na Uy nhằm hỗ trợ người dân Afghanistan, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng nông thôn ở mức 5.000 ca/100.000 ca sinh trẻ còn sống. Ông Terje Watterdal - Giám đốc phụ trách Afghanistan của tổ chức trên giải thích rằng phụ nữ ở vùng nông thôn và miền núi nước này thường tử vong trên đường đến bệnh viện để sinh con, do phải đi chặng đường dài đồi núi gập ghềnh trong khi thiếu thốn phương tiện vận chuyển.

Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Afghanistan, ông Filipe Ribeiro cho rằng việc tiếp cận chăm sóc tiền - hậu sản luôn luôn khó khăn và càng phức tạp hơn nữa trong tình hình hiện nay.

Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, phụ nữ nước này bị hạn chế trong việc tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Taliban đã đóng cửa phần lớn trường trung học dành cho nữ sinh, không cho phụ nữ học đại học. Các nữ sinh y khoa phải dừng việc học hành, đe dọa nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực này. Thậm chí, phụ nữ Afghanistan còn không được gặp bác sĩ nam để khám và chữa bệnh khi cần. Trong khi đó, nguồn tài trợ nước ngoài dành cho Afghanistan đã bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của các cơ sở y tế trong nước.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahou đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp vào cuộc khủng hoảng mà phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt. Bà nói rằng, quyền của phụ nữ ở Afghanistan đang xấu đi dưới sự cai trị của chính quyền Taliban.

Trong một nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và cải thiện sức khỏe cho phụ nữ Afghanistan, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã triển khai chương trình đào tạo nữ hộ sinh ở Afghanistan. Chương trình đào tạo nữ hộ sinh này được UNHCR thúc đẩy và kỳ vọng có thể mở rộng đến nhiều tỉnh, thành để hỗ trợ ngày càng nhiều sản phụ Afghanistan vượt qua ca sinh nở một cách an toàn và thuận lợi ./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực