Cảnh báo tác động thảm khốc của việc gia tăng lượng rác thải toàn cầu

Thứ năm, 29/02/2024 14:46
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thế giới đã thải ra 2,3 tỷ tấn rác đô thị vào năm ngoái và con số này có thể sẽ tăng thêm hơn 60% nữa vào năm 2050. Đây là những dữ liệu do Liên hợp quốc đưa ra ngày 28/2, cùng với cảnh báo về những hậu quả tàn khốc đối với sức khỏe con người, nền kinh tế và môi trường do kịch bản này mang lại.

Nếu không hành động khẩn cấp, núi rác thải đô thị trên thế giới dự kiến sẽ tăng lên 3,8 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này. (Ảnh: SAM PANTHAKY/AFP)

Nghiên cứu mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra rằng, ô nhiễm sẽ leo thang, tốc độ tăng rác thải nhanh nhất sẽ xảy ra ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt - những hành vi thải khí nhà kính và rò rỉ chất độc hại vào đất, nguồn nước và không khí. Báo cáo của UNEP với tựa đề “Vượt qua thời đại lãng phí: Biến rác thải thành tài nguyên”, Triển vọng quản lý chất thải toàn cầu 2024 (GWMO 2024), đã đưa ra cái nhìn tổng quan về lượng chất thải rắn đô thị, cách quản lý cùng tác động của việc quản lý rác thải đối với sức khỏe hành tinh và con người.

UNEP cảnh báo, nếu chúng ta không hành động khẩn cấp, “núi rác” bao phủ trái đất dự kiến sẽ tăng lên 3,8 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này, vượt xa so với dự báo trước đó. Kịch bản đó sẽ kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020). Con số này cũng đã tính tới những những "chi phí ẩn" liên quan việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Giám đốc điều hành UNEP - bà Inger Andersen cho biết: “Việc tạo ra chất thải về bản chất gắn liền với tăng trưởng GDP và nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang phải chật vật vì gánh nặng từ lượng rác thải ngày càng tăng”.

Theo bà Andersen, những khuyến nghị của UNEP có thể hỗ trợ chính phủ các nước trong nỗ lực "tạo ra xã hội bền vững hơn và bảo đảm một hành tinh đáng sống cho các thế hệ tương lai".

Báo cáo của UNEP và Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) đã được công bố tại Hội nghị Môi trường của Liên hợp quốc được tổ chức vào tuần này tại Nairobi. Báo cáo được đưa ra tiếp theo sau một báo cáo năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB), ước tính rằng thế giới sẽ thải ra trung bình 3,4 tỷ tấn rác mỗi năm, tính đến năm 2050.

Hướng tới mục tiêu “'không rác thải”

Một người đàn ông đang đi bên cạnh sông Drina ngập đầy rác thải gần Visegrad, Bosnia, ngày 10/1/2024. (Ảnh: ARMIN DURGUT/AP)

Theo đánh giá của ISWA bản báo cáo và những số liệu ước tính vừa được đưa ra “vừa là hướng dẫn vừa là lời kêu gọi hành động" để đưa ra giải pháp quản lý rác thải hiệu quả.

Cụ thể, báo cáo kêu gọi ngăn chặn sự gia tăng chất thải bằng cách chuyển sang các mô hình kinh tế tuần hoàn và không chất thải. Theo đó, những biện pháp đề cập tới bao gồm việc ngăn chặn rác thải phát sinh ngay từ đầu cũng như các phương pháp tiêu hủy và xử lý rác thải tốt hơn, có thể hạn chế chi phí ròng hằng năm xuống còn khoảng 270 tỷ USD, tính đến năm 2050.

Tuy nhiên, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa bằng cách chuyển sang một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn. Điều đó sẽ cho phép chúng ta thúc đẩy sự thịnh vượng mà không gắn liền với việc gia tăng chất thải. Theo tính toán được nêu lên trong báo cáo của UNEP, điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế ròng lên tới hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Tác giả chính của báo cáo, chuyên gia Zoe Lenkiewicz thuộc UNEP nhấn mạnh: “Những phát hiện của báo cáo này đã chứng minh rằng thế giới cần khẩn trương chuyển sang phương pháp tiếp cận không rác thải, đồng thời cải thiện quản lý chất thải để ngăn ngừa ô nhiễm đáng kể, phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người”.

Các bãi chôn lấp rác thải trên thế giới là nguồn phát thải chính khí metan gây hiệu ứng nhà kính mạnh, được thải ra khi chất thải hữu cơ như phế liệu thực phẩm phân hủy. Trong khi đó, việc vận chuyển và xử lý rác thải cũng tạo ra khí carbon dioxide khiến cho trái đất của chúng ta “nóng dần lên”.

Báo cáo của UNEP cảnh báo: "Các hoạt động xử lý chất thải bừa bãi có thể khiến các hóa chất độc hại thấm sâu vào đất, nước và không khí, gây ra thiệt hại lâu dài, thậm chí không thể phục hồi đối với hệ thực vật và động vật địa phương, đồng thời tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho toàn bộ hệ sinh thái và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người".

Theo UNEP, việc đốt rác có thể giải phóng những "hóa chất vĩnh viễn" vào không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường. Cũng theo nghiên cứu của UNEP, mỗi năm có tới 1 triệu ca tử vong do bệnh tật liên quan đến những lỗ hổng trong quản lý chất thải, bao gồm tiêu chảy, sốt rét, bệnh tim và ung thư…

Báo cáo của UNEP chỉ rõ: “Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và áp dụng cách tiếp cận không rác thải là con đường duy nhất dẫn đến một tương lai an toàn, giá cả phải chăng và bền vững”. Trong số các lộ trình được đề xuất theo từng quốc gia cụ thể, UNEP đưa ra các giải pháp sau:

- Sử dụng dữ liệu và số hóa để ưu tiên ngăn ngừa và quản lý chất thải;

- Cấm các vật liệu không an toàn và thực hiện các chương trình bắt buộc để đảm bảo những đối tượng gây ô nhiễm phải chịu gánh nặng tài chính;

- Áp dụng các phương pháp tiếp cận toàn diện và khoa học để thu hút người dân tham gia vào việc tránh lãng phí và phân loại rác thải để tái chế;

- Tích hợp các nguyên tắc của quá trình chuyển đổi công bằng vào quá trình ra quyết định...

- Xây dựng năng lực quốc gia để phát triển các chính sách phù hợp với bối cảnh thực tế nhằm tối đa hóa lợi ích của việc quản lý và giảm thiểu chất thải.


T.Lan (Theo France 24, lemonde, iisd.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực