|
Cuộc đảo chính vừa diễn ra tại Mali gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế. (Ảnh: franceinfo) |
Trước đó, hôm 18/8, các binh sĩ nổi dậy đã bắt giam Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse tại căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako. Tổng thống Keita, sau nhiều tháng đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trên diện rộng của người dân, đã buộc phải tuyên bố từ chức để tránh đổ máu. Trong khi đó, nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.
Phong trào đối lập M5-RFP đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Đại tá quân đội Mali Assimi Goita, ngày 19/8, đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, trong khi phát ngôn viên của CNSP Ismael Wague Mali đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và cảnh báo chống lại các hành động phá hoại. Ngoài ra, phong trào đối lập M5-RFP ngày 19/8 cũng tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị.
ECOWAS phân lập Mali
Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), trung gian trong cuộc khủng hoảng ở Mali, là tổ chức đầu tiên lên án các sự kiện ở Bamako ngày 18/8. Trong một thông cáo báo chí, tổ chức khu vực này "lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất cuộc lật đổ do những binh lính tàn ác (…) gây ra". ECOWAS "dứt khoát phủ nhận bất kỳ hình thức hợp pháp nào đối với phe tàn ác và yêu cầu thiết lập lại trật tự hiến pháp ngay lập tức" – tuyên bố cho biết. Tổ chức này cũng "yêu cầu trả tự do ngay lập tức" cho nguyên thủ quốc gia của Mali và tất cả các quan chức bị bắt giữ và những người mà họ còn chưa được biết.
Theo tuyên bố của ECOWAS, việc loại bỏ chính quyền Mali khỏi tất cả các quyết định của tổ chức này "có hiệu lực ngay lập tức". Và ECOWAS cũng "quyết định đóng tất cả các biên giới trên bộ và trên không cũng như ngừng tất cả các luồng kinh tế, thương mại, tài chính và giao dịch giữa các quốc gia thành viên [khác] của ECOWAS và Mali"; đồng thời kêu gọi "tất cả các đối tác cũng làm như vậy”. Cuối cùng, tổ chức Tây Phi "kêu gọi thực hiện ngay lập tức một loạt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả những người theo chủ nghĩa bạo lực cũng như các đối tác và cộng sự của chúng", và "quyết định cử một phái đoàn cấp cao để bảo đảm sự trở lại ngay lập tức của trật tự hiến pháp”.
Liên minh châu Âu hợp tác chặt chẽ cùng với ECOWAS
Về phía Liên minh châu Âu (EU), từ chiều 18/8, cơ quan này đã phản ứng thông qua việc lên án những diễn biến ban đầu của cuộc binh biến. Sau hậu quả của vụ đảo chính này, EU cũng kêu gọi thả "ngay lập tức" những người bị bắt và để "nhà nước pháp quyền hoạt động trở lại" ở Mali.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố: "Sự ổn định của khu vực và của Mali, cuộc chiến chống khủng bố phải được ưu tiên tuyệt đối”; đồng thời nhấn mạnh "mối quan ngại cao độ" của 27 nước EU về các diễn biến trong những giờ qua. Ông Charles Michel nhấn mạnh rằng cần "hợp tác chặt chẽ với ECOWAS và với các tổ chức châu Phi khác nhằm nỗ lực tìm ra một giải pháp liên quan trực tiếp đến nguyện vọng của người dân Mali.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong số những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới lên án cuộc đảo chính quân sự tại Mali. Trên tài khoản Twitter ngày 19/8, ông Macron nhấn mạnh "cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và việc bảo vệ dân chủ cũng như pháp quyền là hai vấn đề không thể tách rời". Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi "trao trả quyền lực cho người dân", cũng như tạo điều kiện cho việc "khôi phục trật tự Hiến pháp", đồng thời hối thúc trả tự do cho Tổng thống và Thủ tướng Mali.
Còn theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, Pháp - quốc gia có 5.100 binh sĩ trong khu vực - đã lên án "với mức độ kiên quyết nhất" "cuộc binh biến". Đại sứ quán Pháp tại Mali, sáng 18/8, cũng đã khuyến cáo công dân nước này ở nhà.
Nhanh chóng lập lại nền dân chủ
Về phần mình, trong một tuyên bố được đưa ra, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) – Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án sự thay đổi chính phủ Mali một cách vi hiến, đồng thời yêu cầu quân đội Mali ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên chính phủ. Ông Ramaphosa cũng kêu gọi cần ngay lập tức đưa Mali trở lại chế độ dân sự và quân đội phải trở về doanh trại. Ông Ramaphosa đề nghị người dân Mali, các đảng phái chính trị và xã hội dân sự tuân thủ pháp quyền, cũng như tham gia đối thoại hòa bình nhằm giải quyết các thách thức hiện nay. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi và toàn thể cộng đồng quốc tế lên án và bác bỏ hành vi thay đổi Chính phủ Mali một cách vi hiến do quân đội nước này tiến hành, và đề nghị hỗ trợ người dân Mali trở lại chế độ dân sự và dân chủ.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AUC) Moussa Faki cũng lên án việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị ở Mali, đồng thời khẳng định phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chính phủ một cách vi hiến, kêu gọi các binh sĩ Mali chấm dứt sử dụng vũ lực và trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo bị bắt giữ. Chủ tịch AUC kêu gọi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, Liên hợp quốc và toàn thể cộng đồng quốc tế phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng chính trị tại Mali.
Ủy ban Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) thông báo, AU đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali nhằm đáp lại cuộc đảo chính của các binh sĩ, sẽ có hiệu lực tới khi trật tự hiến pháp tại Mali được khôi phục.
Algieria cảnh báo
Phản ứng từ Algieria, nước láng giềng của Mali, vốn được cộng đồng quốc tế rất chờ đợi. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Algeria, các nhà chức trách nước này ngày 19/8 đã lên án cuộc đảo chính ở Mali và kêu gọi tổ chức bầu cử "tôn trọng trật tự Hiến pháp".
Bộ Ngoại giao Algeria khẳng định lập trường “kiên quyết bác bỏ bất kỳ sự thay đổi chính phủ vi hiến nào”.
Tuyên bố nêu rõ Algeria rất quan tâm diễn biến chính trị tại Mali vì hai nước có 1.400 km đường biên giới chung. Algieria kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Mali tôn trọng quy định của hiến pháp và quay lại đàm phán để nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng. Bầu cử là cách thức hợp pháp duy nhất để thay đổi chính quyền.
Liên hợp quốc kêu gọi giải pháp hòa bình
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/8 lên án mạnh mẽ cuộc binh biến ở Mali. Trong thông cáo được đưa ra, các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Mali"; đồng thời kêu gọi những kẻ nổi dậy "thả một cách an toàn và ngay lập tức tất cả các quan chức bị giam giữ và trở về doanh trại ngay lập tức". Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh "nhu cầu cấp thiết cần khôi phục chế độ pháp quyền và đạt được tiến bộ đối với việc trở lại trật tự hiến pháp". Hội đồng Bảo an nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến và nỗ lực hòa giải của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ở Mali. Các thành viên Hội đồng kêu gọi tất cả các bên liên quan của Mali "kiềm chế và ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này".
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tối 18/8 cho biết rằng ông đang theo dõi những diễn biến ở Mali với mối quan ngại sâu sắc. Người đứng đầu Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ hành động của những kẻ nổi dậy và kêu gọi lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và pháp quyền. Ông yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta và các thành viên trong Nội các. Tổng thư ký António Guterres cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng quốc phòng và an ninh, kiềm chế tối đa và bảo vệ quyền con người và quyền tự do cá nhân của tất cả người dân Mali. Ông nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp thương lượng và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng bày tỏ ủng hộ hoàn toàn đối với các nỗ lực của Liên minh châu Phi và ECOWAS nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Mali.
Ngoài ra, ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố: "Mỹ mạnh mẽ lên án cuộc binh biến ngày 18/8 tại Mali, cũng như chúng tôi sẽ lên án mọi hành động dùng vũ lực để giành quyền lực. Cần phải bảo đảm tự do và an toàn cho các quan chức chính phủ bị bắt giữ cùng gia đình của họ". Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi "làm việc để tái lập một chính phủ hợp hiến". Ông Mike Pompeo nhấn mạnh: “Quyền tự do và an toàn của các quan chức chính phủ bị bắt và gia đình của họ phải được bảo đảm. (…) Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên ở Mali tham gia vào một cuộc đối thoại hòa bình, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình của người Mali, cũng như từ chối bạo lực”.
Từ Ottawa, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cũng đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Mali, đồng thời kêu gọi các lực lượng an ninh Mali và các đối tượng tham gia lật đổ Tổng thống Keita tuân thủ trật tự hiến pháp và tôn trọng quyền của tất cả người dân nước này. Ông Champagne khẳng định Canada sẽ hợp tác chặt chẽ với ECOWAS và Liên hợp quốc nhằm bảo đảm khôi phục trật tự hiến pháp và thực thi các điều khoản trong Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải tại Mali để người dân Mali có được nền hòa bình./.