Giải pháp tức thời và lâu dài cho thế giới hậu COVID-19

Thứ tư, 09/09/2020 20:34
(ĐCSVN) – Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed ngày 8/9 đã khuyến khích các quốc gia thành viên của tổ chức này tìm kiếm những giải pháp tức thời và lâu dài cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hơn 900 nghìn người trên thế giới tử vong vì COVID-19

Nông dân canh tác ở một trang trại tại tỉnh Imbabura, Ecuador nhận được sự hỗ trợ của WFP. (Ảnh: UN)

Phát biểu tại cuộc họp cấp cao của các Bộ trưởng Tài chính về việc đầu tư của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bà Mohammed cho biết trách nhiệm của Liên hợp quốc là phải tìm ra “các giải pháp tức thời và lâu dài".

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed lưu ý đến những dự báo thật nghiệt ngã đối với thế giới hậu COVID-19: từ 70 đến 100 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực; 265 triệu người khác có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào cuối năm nay. Ngoài ra, ước tính có tới 400 triệu việc làm đã bị mất, ảnh hưởng không tương xứng đến phụ nữ. Khoảng 1,6 tỷ người học đã bị gián đoạn việc học; nhiều người có thể không bao giờ được trở lại trường học.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng được triệu tập theo sáng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thủ tướng Jamaica và Canada. Mục đích là tìm ra các giải pháp để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

Trong 3 tháng qua, 6 nhóm thảo luận đã tập trung làm việc về các lựa chọn khác nhau liên quan đến phục hồi kinh tế và cấp thiết phải xây dựng trở lại tốt hơn.

Nhấn mạnh rằng: “khi virus tiếp tục hoành hành, chúng ta cần những đề xuất táo bạo để giữ cho các gia đình và nền kinh tế phát triển”, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cho biết cuộc họp đã xem xét các lựa chọn bao gồm: gia hạn Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ trong ít nhất một năm và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, phát hành hoặc tái sử dụng chung các quyền phân bổ đặc biệt, tái cấp vốn cho các ngân hàng phát triển quốc gia, khu vực và đa phương, và tuyên bố chuyển tiền như một dịch vụ thiết yếu.

Ngoài ra, “tầm quan trọng của việc tính đến các bối cảnh quốc gia khác nhau cũng nổi lên như một chủ đề xuyên suốt” – bà nói thêm, đồng thời lưu ý đề xuất thành lập Quỹ khả năng phục hồi vùng Caribe và Quỹ tín thác toàn cầu để giúp các quốc gia phụ thuộc vào du lịch.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đưa ra nhiều đề xuất đầy tham vọng như thực hiện thu nhập cơ bản toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân để bảo đảm rằng các cú sốc trong tương lai đối với hệ thống tài chính sẽ không gây ra tác động thảm khốc đối với nền kinh tế. “Như các đại biểu đã lưu ý hôm nay, không có loại vaccine nào có thể giải quyết nhanh chóng và đơn giản cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta phải suy nghĩ theo cách đổi mới và khác biệt để củng cố các nền kinh tế, cộng đồng và xã hội, và cùng thiết lập một mặt trận thống nhất, sẵn sàng đối phó với những cú sốc và khủng hoảng chắc chắn sẽ phát sinh” – bà Mohammed nhấn mạnh.

Các đề xuất của cuộc họp sẽ được trình lên các nguyên thủ quốc gia và chính phủ vào ngày 29/9 tới. Sau đó, một cuộc họp tiếp theo sẽ được triệu tập vào tháng 12 để đánh giá những tiến bộ đạt được nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực