ILO: Hơn 35% số người thất nghiệp trên thế giới là thanh niên

Thứ tư, 22/11/2017 18:35
(ĐCSVN) – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo cho thấy, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã giảm kể từ đỉnh điểm hồi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, song tình trạng thất nghiệp cũng như thiếu việc làm có chất lượng vẫn tồn tại và tiếp tục cản trở việc tìm kiếm việc làm bền vững cho thanh niên.
Ảnh minh họa (Nguồn: ILO)

Theo báo cáo về “Xu hướng việc làm của thanh niên trên thế giới năm 2017” của ILO, năm 2017, hơn 35% số người thất nghiệp trên thế giới là thanh niên. Nếu tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên toàn cầu đã ổn định ở mức 13,0% trong năm 2016, thì lại sẽ có thể tăng nhẹ lên 13,1% trong năm nay. Lên tới 70,9 triệu vào năm 2017, số lượng thanh niên thất nghiệp được cải thiện rõ rệt so với con số kỷ lục 76,7 triệu trong cuộc khủng hoảng năm 2009, nhưng con số này được dự báo sẽ tăng thêm 200.000 người thất nghiệp vào năm 2018 để lên tới tổng số 71,1 triệu.

Ở quy mô toàn cầu, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn năm 2010 – 2016 ở Bắc Phi, các quốc gia Arab, Mỹ Latinh và vùng Caribê; trong khi đạt được những tiến bộ tích cực trên thị trường lao động ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi Sahara. Tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn chưa kết nối với tăng trưởng việc làm và bất ổn kinh tế có nguy cơ cản trở tăng trưởng việc làm ở thanh niên. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ít thay đổi so với tỷ lệ người trưởng thành thất nghiệp trong thập kỷ qua. Điều này cho thấy những người trẻ tuổi đang bị thiệt thòi sâu sắc và lâu dài trên thị trường lao động.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu bật tính dễ bị tổn thương liên tục của các nữ thanh niên trên thị trường lao động. Năm 2017, tỷ lệ tham gia của các nữ thanh niên thấp hơn nam thanh niên là 16,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên cũng cao hơn đáng kể so với nam thanh niên, và khoảng cách về giới trong số các thanh niên không làm việc, không học tập hay không được đào tạo thậm chí còn lớn hơn. Trên toàn cầu, tỷ lệ nữ thanh niên không làm việc, không học tập hay không được đào tạo là 34,4%, cao hơn rất nhiều so với 9,8% ở nam thanh niên.

Năm 2017, 39% lao động trẻ ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển – 160,8 triệu thanh niên – sống trong cảnh nghèo đói hay nghèo đói cùng cực, với chưa đầy 3,10 USD một ngày. Trong số 5 lao động trẻ thì có 2 thanh niên hiện đang thất nghiệp hoặc là những lao động nghèo. Đây là một thực tế nổi bật ảnh hưởng đến nhiều xã hội trên thế giới.

Đối với nhiều người trong số họ, hiện tại và tương lai đều nằm trong nền kinh tế phi chính thức. Trên toàn cầu, 3 trong số 4 nam và nữ thanh niên phải làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, so với tỷ lệ 3 trong số 5 người trưởng thành. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này tăng lên 19 trong số 20 đối với thanh niên nam nữ.

Ngoài ra, thách thức về việc làm trong thanh thiếu niên không chỉ là tạo ra việc làm mà còn là chất lượng công việc và việc làm bền vững cho thanh niên. Theo bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO về chính sách, giải quyết những thách thức xã hội và thị trường lao động mà các nam nữ thanh niên liên tục phải đối mặt, không chỉ nhằm đạt được phát triển bền vững và chia sẻ mà còn vì tương lai của việc làm và gắn kết xã hội./.

Khánh Linh (Theo UN, ILO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực