Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực chống khủng bố
Thứ tư, 27/06/2018 21:01 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 26/6 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên tăng cường nỗ lực để thực hiện Chiến lược chống khủng bố của Liên hợp quốc, được thông qua vào năm 2006 và đang được sửa đổi hai năm một lần.
Dân thường ở Mosul, Iraq sau một vụ đánh bom tự sát. (Ảnh: UNHCR)
Trong văn bản này, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục lên án mạnh mẽ và dứt khoát chủ nghĩa khủng bố dưới tất cả các hình thức và biểu hiện của nó, do bất cứ ai thực hiện, ở bất cứ nơi nào và vì bất kỳ mục đích nào. Đại hội đồng cũng "tái khẳng định Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc và 4 trụ cột", đồng thời kêu gọi các nước thành viên, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực và tiểu vùng khác có liên quan "tăng cường nỗ lực để thực hiện Chiến lược" một cách thích hợp và cân bằng và dưới mọi khía cạnh".
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia chưa ký Công ước xem xét trở thành thành viên của các công ước và nghị định thư quốc tế hiện có chống khủng bố và khuyến khích các nước thành viên liên quan đến cộng đồng địa phương và các bên phi chính phủ liên quan xây dựng các chiến lược phù hợp nhằm chống lại các luận điệu cực đoan bạo lực có thể dẫn đến việc tuyển mộ các nhóm khủng bố và hình thành các hành vi khủng bố.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng khuyến khích các nước thành viên và các tác nhân có liên quan khác đưa ra cơ chế nhằm khuyến khích, hướng giới trẻ thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, phát triển giáo dục để ngăn cản sự tham gia của họ vào các hành vi khủng bố.
Trước khi thông qua Nghị quyết, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Miroslav Lajčák cho biết Chiến lược "không phải là một viên đạn ma thuật hay một cuốn sách chống khủng bố". Theo ông Lajčák, khủng bố rất phức tạp và biến chuyển không ngừng, do đó cần cách tiếp cận linh hoạt. Mọi quốc gia, mọi chính phủ sẽ phản ứng với chủ nghĩa khủng bố theo cách riêng, nhưng không một quốc gia nào có thể làm điều đó riêng lẻ và không có quốc gia nào có thể miễn nhiễm khỏi tai họa này. Vì vậy, chúng ta phải hợp tác và xác định một tầm nhìn tổng thể./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)