|
Trẻ em học tại nhà ở Nairobi, Kenya. (Ảnh: UN) |
Theo Liên hợp quốc, đại dịch COVID-19 đã thay đổi giáo dục hơn bao giờ hết. Tính đến giữa tháng 7, hơn một tỷ học sinh đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học ở hơn 160 quốc gia. Trên khắp thế giới, 40 triệu trẻ em mẫu giáo đã bỏ lỡ một năm học đầu tiên quan trọng.
Cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ, đã phải chịu gánh nặng nặng nề khi chăm sóc con tại nhà. Những học sinh khuyết tật, thành viên của nhóm thiểu số hoặc nhóm có hoàn cảnh khó khăn, người tị nạn hoặc người di cư nội bộ, hoặc những người vẫn sống ở vùng sâu vùng xa có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố nêu rõ: Mặc dù giảng dạy tiếp tục được thực hiện qua đài phát thanh, truyền hình hoặc trực tuyến, và mặc dù có sự huy động của các giáo viên và phụ huynh, song nhiều học sinh vẫn không được kết nối. “Ngay cả những người tiếp cận với giáo dục từ xa cũng không chắc chắn thành công” – ông cảnh báo, đồng thời đề cập đến các điều kiện sống và phân phối khác nhau, công bằng hay không công bằng, về các việc gia đình.
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng công bố một bản tóm tắt về COVID-19 và giáo dục, trong đó kêu gọi hành động trong 4 lĩnh vực ưu tiên.
Trước hết là mở lại các trường học. Khi việc lây truyền COVID-19 đã được kiểm soát ở cấp địa phương thì việc đưa học sinh trở lại trường học và các trung tâm giáo dục khác trong điều kiện an toàn tốt nhất cần phải là "ưu tiên hàng đầu". Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng sẽ rất cần thiết để cân nhắc các rủi ro đối với sức khỏe và những vấn đề đối với việc giáo dục và bảo vệ trẻ em, có tính đến các tác động đối với sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Thêm nữa, cũng cần tham khảo ý kiến của phụ huynh, người chăm sóc, giáo viên và những người trẻ tuổi.
Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng lưu ý cần ưu tiên giáo dục trong các quyết định đầu tư tài chính. Theo tổ chức này, giai đoạn trước cuộc khủng hoảng hiện nay, mức chênh lệch đầu tư dành cho giáo dục ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã là 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm; và đến nay thâm hụt này càng mở rộng. Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi bảo tồn và tăng ngân sách phân bổ cho giáo dục, "phải được đặt vào trung tâm của hành động đoàn kết quốc tế, cụ thể là quản lý nợ, kế hoạch phục hồi kinh tế, các lời kêu gọi nhân đạo toàn cầu và hỗ trợ phát triển chính thức”.
Thêm vào đó, cần nhắm mục tiêu vào những người bị cô lập. Việc thiết kế các sáng kiến giáo dục sẽ mang lại lợi ích cho những người dễ bị bỏ lại phía sau như: những người trong tình trạng khẩn cấp hoặc khủng hoảng, những người là dân tộc thiểu số, những người phải di dời hoặc khuyết tật. Các sáng kiến này cũng phải tính đến những thách thức đặc biệt mà các cô gái, chàng trai, những người phụ nữ và nam giới phải đối mặt, và khẩn trương thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Cuối cùng, Liên hợp quốc kêu gọi xây dựng tương lai cho giáo dục hiện nay. Mặc dù gây thiệt hại song cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra hiện đang mang đến một cơ hội duy nhất để xem xét lại việc giảng dạy. Các quốc gia có thể áp dụng các hệ thống hướng tới tương lai, ở đó sẽ cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người và đóng vai trò là bàn đạp để đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc kêu gọi đầu tư vào kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng, dạy sinh viên cách học, làm sống lại việc học tập suốt đời và củng cố mối liên kết giữa giáo dục chính quy và phi chính quy. "Chúng ta cũng cần khai thác các phương pháp giảng dạy linh hoạt hơn và các công nghệ mới, đồng thời hiện đại hóa chương trình giảng dạy ở trường và cung cấp hỗ trợ liên tục cho giáo viên và cộng đồng" – ông Guterres nói thêm. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng đồng thời nhấn mạnh rằng giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển cá nhân và tương lai của các xã hội./.