Theo ông Ong Ye Kung, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi hiện là 67 trên 100.000 dân, tiếp đó nhóm từ 12 đến 19 tuổi có tỷ lệ lây nhiễm cao thứ hai, khoảng 55 trên 100.000 dân. Điều này là do biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cho trẻ em nhiều hơn biến thể Delta.
Chính vì điều này, người đứng đầu cơ quan y tế Singapore cho biết, các bệnh viện công và tư cần thiết lập thêm giường cho trẻ em. Hiện nay, các cơ sở điều trị COVID-19 ở Singapore cũng đang chuyển đổi nhiều giường hơn cho trẻ em và người chăm sóc.
|
Tại Singapore, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi hiện là 67 trên 100.000 dân (Ảnh minh họa: The Straits Times) |
Tại sao tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em từ 5-11 tuổi lại cao như vậy?
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam, người điều hành một phòng khám tư tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena cho biết, các biến thể Omicron và Delta của virus COVID-19 đã “thích nghi” và trở nên hiệu quả hơn trong việc lây nhiễm bệnh cho trẻ em. Ông cũng chỉ ra rằng, việc không đeo khẩu trang cẩn thận và không giữ khoảng cách an toàn là những lý do khiến trẻ em ở độ tuổi này dễ mắc bệnh hơn, trong đó phần lớn là bị nhiễm biến thể Omicron.
Đồng tình với quan điểm này là Tiến sĩ Nicholas Chew (Bệnh viện Farrer Park), người nói rằng tỷ lệ lây nhiễm cao ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là “không có gì bất ngờ”. Theo ông, trẻ em tiếp xúc gần với nhau trong trường học và việc giữ khoảng cách cũng như đeo khẩu trang không được thực hiện khắt khe là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh cao.
Ông Nicholas Chew nói thêm rằng chế độ tiêm chủng hai liều không mang lại khả năng bảo vệ miễn dịch đủ mạnh để chống lại biến thể Omicron. Ông cho biết thêm, liều tăng cường thứ ba đã được chứng minh là có thể nâng mức bảo vệ lên mức hợp lý. Trong khi đó, hầu hết trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 chỉ mới bắt đầu chế độ tiêm chủng hai mũi và do đó dễ bị nhiễm biến thể Omicron.
Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con cái?
Tiến sĩ Isaac Liu, chuyên gia về y khoa nhi tại Trung tâm Trẻ em Raffles cho biết, các biện pháp đảm bảo vệ sinh nên được tuân thủ tại nhà. Điều này bao gồm việc rửa tay thường xuyên trước và sau khi trẻ em mắc COVID-19 và người lớn cần giúp trẻ em đeo khẩu trang đúng cách. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần chú trọng việc đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Cũng theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng khi đủ điều kiện. Điều này giúp bảo vệ trẻ em trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, do các triệu chứng mắc COVID-19 ở trẻ em thường ở thể nhẹ và trẻ em thường có xu hướng phục hồi trong vòng từ 3-5 ngày.
Để bảo vệ trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến các khu vực kín tập trung đông người. Những không gian mở, ít đông đúc là những nơi được ưu tiên cho trẻ nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp./.