Đề nghị cấm mua chuộc đại biểu bằng “lợi ích phi vật chất" khi lấy phiếu tín nhiệm

Thứ sáu, 09/06/2023 16:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung quy định cấm hứa tặng lợi ích phi vật chất như: Bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học để vận động, lôi kéo, mua chuộc, tác động đến đại biểu Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Làm rõ những lợi ích phi vật chất trong lấy phiếu tín nhiệm

Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, trình tự, thủ tục ban hành các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.

Khoản 2 Điều 8 dự thảo Nghị quyết quy định “nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc, tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung cách hành vi nghiêm cấm tại Điều 8 thay vì chỉ quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 85 như trước đây để đảm bảo tính nghiêm khắc, không khoan nhượng trước những hành vi cố tình làm ảnh hưởng đến kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ hơn những hành vi vận động, lôi kéo, mua chuộc, trong đó có cả những hành vi hứa hẹn về vị trí công việc, chức vụ cao hơn. Đồng thời, đề nghị sửa cụm từ "tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân" thành cụm từ "tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân". Bởi theo đại biểu, thực tế cho thấy, những hành vi này thường được che đậy rất tinh vi, vì vậy cần phải quy định điều chỉnh đối với những hành vi không trực tiếp tác động nhưng lại có thể ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu.

Nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn là việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa và tác động chính trị to lớn, được dư luận cả trong nước và quốc tế quan tâm, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền thông tin, đảm bảo phương châm chủ động, kịp thời, khách quan, công tâm trên tinh thần xây dựng để cử tri, nhân dân, bè bạn, dư luận và truyền thông quốc tế hiểu rõ, đồng tình ủng hộ công tác này, đảm bảo sự thành công toàn diện của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). (Ảnh: TH)

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 8 cụm từ "hoặc lợi ích phi vật chất", "lợi ích vật chất khác" để cho đầy đủ và bao quát mọi trường hợp hơn.

Đại biểu viện dẫn Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất, ví dụ như tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng, bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học. Ngoài ra, lợi ích vật chất khác có thể là tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch.

Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động lôi kéo, mua chuộc, tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương Hoa cũng kiến nghị bổ sung: "Người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ". Đồng thời, lưu ý trong việc tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa việc này.

Bổ sung kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 6), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá, bảo đảm phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, tại Khoản 2, Điều 6 về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cần bổ sung cụm từ “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” vào sau cùng từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Bởi, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương nhất quán đã được quy định trong Hiến pháp và quy định tại nhiều Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, được thể chế hóa trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TH)

Do đó, việc bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là phù hợp, bảo đảm việc đánh giá được toàn diện, khách quan đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cần rà soát, làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con có các trường hợp con đẻ, con nuôi, con trước thời kỳ hôn nhân nhưng được thừa nhận, trường hợp con chưa thành niên, con đủ 18 tuổi. Với mỗi trường hợp này đều có những hệ quả pháp lý khác nhau trong những quy định cụ thể”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nên làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật, làm căn cứ đánh giá thì cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của họ trong việc đảm nhiệm các chức vụ được giao./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực