Bài 3: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc

Xây dựng hệ giá trị: Cuộc chiến khổng lồ chống lại những thói hư tật xấu
Thứ tư, 09/08/2023 10:57
(ĐCSVN) – Các hệ giá trị đều phản ánh những mục tiêu, lý tưởng, khát vọng mà con người muốn vươn tới. Vì thế, việc hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay là việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân để các hệ giá trị thực sự trở thành sức mạnh nội sinh hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Bài 1: Xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước

Bài 2: Muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những mục tiêu lớn trong quá trình phát triển đất nước

 

"Cuộc chiến nhiều gian nan, thử thách"

Quá trình chuyển đổi của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đóng góp một vai trò hết sức quan trọng để định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Nhận thức rất rõ vai trò của văn hóa và con người trong quá trình phát triển bền vững đất nước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất đất nước". Chính bởi vậy, việc xây dựng các hệ giá trị chính là làm rõ bản chất cốt lõi không chỉ của nền văn hóa mà chúng ta xây dựng mà còn thể hiện bản chất của chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ sở để củng cố niềm tin, xây dựng và tạo môi trường tinh thần lành mạnh cho phát triển bền vững đất nước.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã đi được một chặng đường dài gần 37 năm, Đảng ta luôn quan tâm và trăn trở về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Trong khi đó, quá trình hội nhập quốc tế đang tác động đến những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt, nó “góp phần nâng cao trình độ tư duy khoa học của xã hội công nghiệp, thể hiện ở việc phổ biến các giá trị văn hóa công nghệ, văn hóa thông tin cùng các hoạt động và loại hình văn hóa mới phục vụ cho việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân” và qua đó, góp phần làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Mặt khác, nó cũng đang đặt ra trước dân tộc ta những thách thức lớn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống. Nhiều giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc nói chung cũng như các giá trị đạo đức nói riêng bị chao đảo, đang có nguy cơ mai một và bị phá vỡ.

Trước những tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập thế giới và nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị đảo lộn; thái độ tôn sùng vật chất, coi trọng tiền bạc, danh vọng cũng khiến nhiều người sa vào vũng lầy của chủ nghĩa cá nhân. Đây không chỉ là lực cản mà còn là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị trong xã hội. Để củng cố và chấn hưng nền văn hóa cũng như những giá trị cốt lõi của dân tộc, của quốc gia cũng như mỗi gia đình, con người Việt Nam, coi đó là những chuẩn mực để soi rọi và định hướng sự phát triển cho mỗi cá nhân và cả dân tộc. Bổ sung, hoàn thiện những hệ giá trị Việt Nam phù hợp sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân tộc hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Toàn cầu hóa văn hóa là xu thế phát triển chung của nhân loại trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, Internet, mở ra cơ hội thuận lợi trong giao lưu, hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình toàn cầu hóa văn hóa cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, kiến tạo bản sắc và hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Xu thế nhất thể hóa, toàn cầu hóa văn hóa với quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, trong đó văn hóa đại chúng Mỹ thịnh hành và có sức lan tỏa mạnh mẽ đang tác động tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mặt trái của quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa là nhiều xuất bản phẩm ngoại lai tấn công, xâm chiếm thị trường văn hóa phẩm trong nước. Có thời gian, việc nhập khẩu và quảng bá điện ảnh Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc trên các kênh truyền hình quốc gia có tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và lối sống của giới trẻ, gây nguy cơ bão hòa văn hóa, xóa nhòa và “làm mờ” bản sắc văn hóa dân tộc.

Chiến lược quảng bá “sức mạnh mềm văn hóa” của các nước thông qua ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa, chủ yếu là văn hóa tiêu dùng, ẩm thực, thời trang, mỹ phẩm... nhằm khuyến khích, “lôi kéo” thế hệ trẻ tin dùng, theo đuổi và đam mê nền văn hóa đó. Chiến lược này kết hợp với tâm lý sính ngoại, ưa hư danh của một bộ phận giới trẻ Việt Nam gây ra những “va chạm, xung đột” trong nhận thức, hành vi khi khó phân định, nhận diện mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại; bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là điều vô cùng cần thiết và cấp bách để định hướng tư tưởng, xây dựng nhân cách, con người; bồi đắp những giá trị mới, tạo sức mạnh và sức đề kháng cho văn hóa dân tộc chống lại những âm mưu đồng hóa và thôn tính của kẻ thù. Qua đó đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm mục tiêu cao cả xây dựng đất nước ta phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.

Không những thế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà hạt nhân là Internet kết nối vạn vật xóa nhòa khoảng cách các quốc gia để chia sẻ, hợp tác, cùng phát triển. Tuy nhiên, lợi dụng ưu thế của mạng Internet, nhiều thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền, gieo rắc tư tưởng phản động, chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta; khoét sâu vào vấn đề ly khai, xung đột sắc tộc, tôn giáo; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các danh nhân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dao động trong quần chúng. Điều này gây trở ngại cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là thông tin, luồng tư tưởng phản động, hàng ngày hàng giờ tấn công, chi phối và thâm nhập vào tư tưởng, suy nghĩ, lối sống của nhiều người. Sự nhiễu loạn thông tin trên các phương tiện truyền thông khiến người tiếp nhận hoang mang, dao động, khó tìm thấy đường hướng, tương lai và con đường lựa chọn cho riêng mình. Hành vi bắt chước trên không gian ảo gây hậu họa khôn lường, làm xấu hình ảnh con người, văn hóa dân tộc. Vì thế, việc định hướng, hình thành chuẩn mực giá trị con người Việt Nam là vô cùng cần thiết để mỗi người ý thức rõ về bổn phận, trách nhiệm của bản thân trước cộng đồng, xã hội.

Ngày nay, trước sự tác động rất mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình. Xây dựng văn hóa trong gia đình, ứng xử văn hóa của từng thành viên trong gia đình là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, hiện không ít gia đình chỉ lo phát triển kinh tế, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm. Có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội, chưa có lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, chưa duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử văn hóa trong gia đình. Điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới việc xây dựng các giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Xã hội hiện đại đòi hỏi con người phải hành xử theo những chuẩn mực văn minh với tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền tự do, dân chủ, nhưng ở nhiều đô thị, thành phố, những hành vi đi ngược lại quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội, như: chen lấn, xô đẩy trong lễ hội; lộn xộn, vô nguyên tắc khi tham gia giao thông; lạnh lùng, vô cảm trước những cảnh huống bất công, không bảo vệ đồng loại khi bị tấn công; không có tinh thần đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng... còn tồn tại. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, tâm lý chạy theo thành tích, không lấy người học làm trung tâm, nạn học thêm dạy thêm tràn lan; tiếng nói của người học chưa được coi trọng đúng mức, tình trạng áp đặt một chiều; lạm thu, lạm quyền xuất hiện... khiến cho niềm tin của người dân vào giáo dục giảm sút. Một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên do thiếu lý tưởng sống, nhận thức phiến diện, lệch lạc nên có hành vi lệch chuẩn, sống nhanh, sống gấp. Nhiều thanh niên sa vào tệ nạn xã hội, như: nghiện ma túy, cờ bạc...

Để giáo dục, hình thành nên những con người mới có bản lĩnh, có tri thức, nhân cách và phẩm chất tốt đẹp đòi hỏi quá trình trao truyền văn hóa, tri thức, kinh nghiệm và lối sống của các thế hệ đi trước phải có nền tảng văn hóa. Điều này giúp thế hệ trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, tạo “bộ lọc” giúp họ tránh xa cái xấu, cái ác và chủ động, tự tin đón nhận những giá trị văn hóa mới của thế giới, làm chủ tương lai.

 

Việc định hướng, hình thành chuẩn mực giá trị con người Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng: Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Hiện tượng cổ súy cho lối sống hưởng thụ, buông thả, xem thường các giá trị truyền thống khá phổ biến; các tội phạm ngày càng trẻ hóa,... đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cấp, các ngành về việc giáo dục đạo đức, lối sống... “Trong bối cảnh như vậy, phát huy những giá trị truyền thống đã từng làm nên sức mạnh của dân tộc là hết sức cần thiết, đồng thời, cần bổ sung thêm những giá trị hiện đại nhằm xây dựng, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Có thể thấy, mối quan hệ giữa các hệ giá trị vô cùng mật thiết, hệ giá trị này tương tác với hệ giá trị kia trong mối quan hệ nhân quả. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải xây dựng đồng thời cả 4 hệ giá trị này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chấn hưng văn hóa, tạo động lực và nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng: Cần phải triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có những việc cần quan tâm là tiếp tục làm tốt hơn và kiên trì hơn, liên tục, thường xuyên hơn như công tác tuyên truyền để giúp cho nhân dân, giúp cho cán bộ đảng viên có thể nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt, sự cần thiết của vấn đề xây dựng và thực hiện các hệ giá trị này.

Chia sẻ những giải pháp để xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới và đưa các hệ giá trị vào cuộc sống, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, nước ta vốn là một nước nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, hiện đang ở nhóm các quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu, đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các văn nghệ sĩ góp phần lan tỏa và đưa các hệ giá trị vào cuộc sống.

“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngay từ bây giờ chúng ta rất cần xác định hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp Nhân dân. Việc củng cố, xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng rất phù hợp, giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh, quốc phòng”, GS.TS Loan khuyến nghị.

Nhằm lan tỏa các giá trị này vào cuộc sống, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng: Trước tiên chúng ta cần phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Phải nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các phương tiện truyền thông mới trong thời đại số bằng các hình thức đa dạng, linh hoạt, sinh động. Khi Đảng và Nhà nước đã quyết tâm, chúng ta nên biến thành những phong trào, cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi như các cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", hay phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...

Cùng với đó, cần phải phát huy vai trò của các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị. Trước hết, nhà trường phải trở thành "vườn ươm" cho những công dân tương lai có những tố chất đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; bảo vệ hòa bình, thống nhất, độc lập của Tổ quốc. Bên cạnh việc "dạy chữ", nhà trường phải chú trọng "dạy người", "dạy nghề", rèn luyện các giá trị, xây dựng văn hóa công nghiệp, văn hóa phát triển, văn hóa hội nhập. Lồng ghép nội dung giáo dục giá trị quốc gia vào các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... Thầy cô phải là những người nêu gương trong việc thực hiện các giá trị. Trường học phải trở thành nơi học để "làm người" và "thành người" như ở các nước văn minh, tiên tiến.

Thực tế đã cho thấy, một đất nước dù có quy mô dân số và diện tích nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không có, kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ như Singapore, Nhật Bản, nhưng nhờ việc coi trọng giáo dục các giá trị quốc gia, củng cố niềm tự hào dân tộc từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường mà hai quốc gia này đã nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển, có vị thế cao trên phạm vi toàn cầu, được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia đáng sống nhất.

Gia đình - chiếc nôi đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng các giá trị. 

Nhật Bản đã là một trong những cường quốc trên thế giới nhưng điều hấp dẫn vẫn là những "câu chuyện văn hóa" đầy tính thuyết phục: tinh thần võ sĩ đạo, ý chí vươn lên mãnh liệt, kỷ luật làm việc, tinh thần đồng đội, lòng trung thành, sự tôn trọng truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như trà đạo Nhật Bản luôn được cộng đồng thế giới tò mò tìm hiểu...

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của gia đình - chiếc nôi đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng các giá trị. Ông bà, cha mẹ phải là những "người thầy đầu tiên" giáo dục lòng yêu nước, yêu hòa bình, ý thức quốc gia, lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Việc phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng là một trong những việc làm vô cùng quan trọng để lan tỏa và đưa các hệ giá trị vào cuộc sống. Thực tiễn đã chứng minh, một bộ phim hay, một vở kịch hấp dẫn, một bài hát xúc động… có sức lay động lòng người, có thể chinh phục và xây dựng những giá trị tốt hơn hàng ngàn lời kêu gọi, hô hào suông. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Để đưa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào cuộc sống, không chỉ có tác phẩm mà cả lối sống, hình ảnh, phong cách…Vì vậy, xây dựng, củng cố và lan tỏa các hệ giá trị này trong cuộc sống rất cần xây dựng, định hướng cho các văn nghệ sĩ một phong cách, lối sống, tư tưởng chuẩn mực, phù hợp.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, muốn đưa các hệ giá trị này vào trong cuộc sống vẫn phải lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đưa các hệ giá trị trở thành các chương trình và có những kết quả cụ thể còn hơi chậm, phần lớn vẫn nằm ở trên những hệ lý thuyết, những hệ nghiên cứu mang tính khoa học, tổng kết nhiều hơn là những giải pháp cụ thể để triển khai bắt tay vào xây dựng những hệ giá trị. Muốn đưa các hệ giá trị vào cuộc sống nhanh, mạnh và hiệu quả nhất, phải biết tận dụng và sử dụng sức mạnh của văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật. “Mỗi văn nghệ sĩ là những con người hoàn thiện sống có lý tưởng, có khát khao, có nhiệt huyết sẽ truyền tải những sáng tạo vào trong cuộc sống để tạo chuyển biến, thấm nhuần trong quần chúng nhân dân’ – PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

Cùng với việc xây dựng, củng cố các giá trị bằng biện pháp khuyến khích, giáo dục ý thức tự giác, cần phát huy vai trò của pháp luật, xử phạt nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, quản lý xã hội bằng luật pháp. Khi tất cả đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không ai được đứng trên, đứng ngoài pháp luật, thì mới có thể thực hiện được các giá trị "dân chủ", "công bằng", "văn minh", quốc gia "phồn vinh, hạnh phúc". Rất cần xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Nền tảng chung và điều kiện cơ bản nhất để hiện thực hóa các hệ giá trị là sự đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý và điều hành đất nước trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vì tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ giá trị. Thể chế nào sẽ sinh ra những mẫu người và văn hóa đó. Trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hạn chế những bất cập và kẽ hở về quản lý, sở hữu, phân phối, giảm bớt tình trạng thất thoát, đục khoét, biển thủ tài sản của Nhà nước, các quan hệ lợi ích nhóm, sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch... tạo điều kiện cho các biểu hiện phi giá trị, bất công, thiếu dân chủ có cơ hội phát triển.

Cùng với đó, cần xây dựng Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh" như Bác Hồ hằng mong muốn, phát huy trí tuệ, tinh hoa, sự sáng suốt của Đảng, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ. Nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực thi các giá trị. Nếu đảng viên, nhất là các lãnh đạo cấp cao, không nêu gương, nói không đi đôi với làm, thì niềm tin của nhân dân sẽ suy giảm và đương nhiên sẽ tác động tới hệ giá trị của toàn xã hội.

Tăng cường hoàn thiện thể chế văn hóa, bảo đảm các điều kiện để văn hóa dân tộc được chấn hưng và phát triển trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần phải cải cách thể chế quản lý trong các lĩnh vực trọng yếu khác như: Y tế, giáo dục, báo chí, ngoại giao, an ninh, quốc phòng sao cho bắt kịp với sự phát triển kinh tế và xu thế phát triển của thời đại. Bởi đây cũng chính là những nền tảng để chúng ta xây dựng, hoàn thiện và đưa các hệ giá trị đi vào cuộc sống.

Như vậy, việc thực hiện các hệ giá trị đã được triển khai thực hiện từ lâu và không ngừng được củng cố, bồi đắp qua thời gian. Nhiệm vụ ngày nay của chúng ta là tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị ấy đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Công cuộc này rất cần tới sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Nhóm phóng viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực