Việc tổ chức hội thảo là dịp để đánh giá những mặt được, chưa được qua 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc, các đơn vị liên quan xây dựng chính sách dành cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian sắp tới.
Cả nước hiện có 29.567 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các địa phương khu vực Đông Nam bộ có 2.137 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng Nai hiện có trên 198 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 50 thành phần dân tộc. Trong số này có 206 người có uy tín.
|
(Ảnh: baodongnai.com.vn) |
Người có uy tín có vai trò hết sức quan trọng tại cơ sở, vừa là cầu nối gắn kết giữa đồng bào với đồng bào, đồng bào với các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể; vừa có vai trò nêu gương trong cộng đồng. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, Chính quyền với người dân trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đại đoàn kết các dân tộc. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đối với người có uy tín bằng nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các chính sách đối với đội ngũ Người có uy tín bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi kịp thời. Bên cạnh đó một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò Người có uy tín. Công tác vận động Người có uy tín còn chồng chéo, chưa làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của Người có uy tín; chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng…
Thông qua Hội thảo hôm nay ngoài các tham luận của các cơ quan Trung ương, Ban Dân tộc, những người làm công tác dân tộc các tỉnh miền Đông Nam bộ; Ban tổ chức đã lắng nghe các ý kiến trực tiếp của Người có uy tín có mặt tại Hội thảo để ghi nhận những tiếng nói trực tiếp ở địa phương, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín. Theo đó, các đại biểu cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho Người có uy tín; cần bổ sung các chế độ phụ cấp hằng tháng, hằng năm cho Người có uy tín như tiền xăng xe, đi lại, điện thoại… để hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động đồng bào; điều chỉnh định mức hỗ trợ cho các nội dung như thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khó khăn, tặng quà lễ, tết cho Người có uy tín để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đồng thời, tổ chức thường xuyên các hội nghị tuyên truyền cho Người có uy tín về các tin tức, sự kiện mang tính thời sự, nhất là về chính sách mới, công tác dân tộc; tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm của Người có uy tính tại các địa phương và tại Trung ương; cần có cơ chế mở tại các địa phương, tuỳ tình hình thực tế để chủ động ban hành, áp dụng các chính sách phù hợp cho Người có uy tín; sớm điều chỉnh, bãi bỏ các bất cập, tồn đọng về thủ tục hành chính….
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng như các địa phương khác đã tập trung kiến nghị với Ủy ban Dân tộc sớm tháo gỡ vướng mắc đối với tiêu chí bình chọn người có uy tín sao cho phù hợp với từng địa bàn cư trú và đặc điểm của mỗi địa phương. Đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách đối với người có uy tín nhằm thực hiện tốt công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.