Cà Mau: Đào tạo nghề giúp bà con dân tộc thoát nghèo

Thứ tư, 22/06/2022 16:45
(ĐCSVN) - Tỉnh Cà Mau hiện có 13 dân tộc thiểu số với hơn 53.200 người, đông nhất là dân tộc Khmer, Hoa... (dân tộc Khmer với 9.600 hộ, khoảng 45.000 người). Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, tỉnh Cà Mau không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước giúp bà con dân tộc thoát nghèo bền vững.
leftcenterrightdel
 Cà Mau nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước giúp bà con dân tộc thoát nghèo.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt trên 65%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định đạt hơn 80%...

Theo thống kê, giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã đào tạo, giới thiệu, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động người dân tộc thiểu số; trong đó, hơn 1.300 người lao động ngoài tỉnh. Một trong những lớp đào tạo nghề mang lại hiệu quả có thể kể đến nghề ép chuối khô, làm khô bổi ở huyện Trần Văn Thời; nghề làm tôm khô, nuôi cá chẽm ở huyện Ngọc Hiển; nghề sửa chữa điện, đan lát ở TP.Cà Mau...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững cho lao động sau học nghề, tỉnh Cà Mau từng bước đổi mới việc mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc; những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương hoặc những nghề mà lực lượng lao động nông thôn ở địa phương vốn đã quen thuộc nhưng lâu nay vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công hoặc chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để mở lớp. Cùng với đó, để làm tốt công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là đối với đồng bào Khmer, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với từng địa phương chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân để lựa chọn ngành nghề và tổ chức đào tạo. 

Ông Trần Hồng Quân, Bí thư Thành uỷ thành phố Cà Mau cho biết: “Xác định nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có tầm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập, tỉnh không chỉ hỗ trợ chi phí khi tham gia lớp đào tạo, mà còn giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất nhiều ngành nghề truyền thống có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, như: Sản xuất các loại cá, tôm khô, làm chuối ép, mắm ba khía, làm đũa từ cây đước…”.

Nhờ được đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiệu quả, đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân tộc thiểu số là 35,96 triệu đồng, toàn tỉnh chỉ còn gần 15,6% hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm đạt 3-4%.

Từng là một trong những hộ nghèo ở địa phương  nhưng giờ đây anh Trần Văn Ðen (đồng bào Khmer, sinh năm 1980), ở ấp Tân Ðiền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã có cơ ngơi vững vàng với căn nhà rộng lớn, khang trang trị giá trên 800 triệu đồng. Anh Trần Văn Ðen cho biết: “Vợ chồng tôi cưới nhau xong được cha mẹ cho 4,5 ha đất làm ăn và tích góp dần. Lúc đầu cũng khó khăn, nhưng do chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm, mỗi lần đi họp triển khai mô hình hoặc tham gia các lớp tập huấn ở địa phương tôi đều mang giấy, viết theo, thấy có gì hay là ghi lại rồi về áp dụng. Hiện tôi thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh kết hợp nuôi sò, cua đạt hiệu quả khá cao. Mấy năm gần đây vụ nào cũng trúng nên thu nhập trung bình cũng trên 200 triệu đồng mỗi năm”.

Ngoài nuôi tôm, anh Ðen còn làm đại lý tôm giống bán cho bà con trong xã. Trên diện tích đất vườn, anh trồng hoa màu, thanh long để kiếm thêm thu nhập. Nhờ có cuộc sống ổn định mà 3 người con của anh Ðen đều được học hành đàng hoàng, con lớn của anh đang học lớp 9. Anh nói: “Tôi sẽ cho các con đi học đến nơi đến chốn để có kiến thức, bằng cấp chứ không để nghỉ học giữa chừng”.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực