Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm 2014, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác.
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được tượng.
|
Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu tại Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam . |
Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.
Tượng Bà cao khoảng 1,65m, theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là còn là điều bí ẩn.
Ban đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.
Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.
Lễ hội Vía Bà bên cạnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng hướng tới chủ điện thờ là một nhân vật huyền thoại, còn gắn với những nhân vật lịch sử - những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này - là vợ chồng danh tướng Thoại Ngọc Hầu cùng các bộ tướng và binh sĩ. Những hành trang đích thực được gắn kết với đời sống văn hóa tâm linh, đã góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử phát triển vùng đất phía tây - nam của Tổ quốc trong xã hội đương đại.
Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham gia. Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thành phố Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc và An Giang... qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với vùng An Giang thân thiện và mến khách.