Lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc qua điện ảnh

Thứ hai, 24/04/2023 09:41
(ĐCSVN) - Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà với nhiều bộ phim không chỉ mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật mà còn thấm đẫm bản sắc, văn hóa dân tộc.
Một phân cảnh trong bộ phim "Em bé Hà Nội" .(Ảnh: Theo Báo HNM)

Nói về điện ảnh, không thể không nhắc đến thể loại phim truyện, đặc biệt là những tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh. Một số tác phẩm nổi bật như: Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973), Em bé Hà Nội (1974), Hà Nội 12 ngày đêm (2002), Mùi cỏ cháy (2012),... Các tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng bởi lẽ đề tài này gắn liền với các giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Nhân dân ta. Bên cạnh giá trị lịch sử, các tác phẩm thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc qua các chi tiết, hình ảnh về con người Việt Nam, những con người tuy nhỏ bé nhưng không hề sợ hãi trước bom đạn của kẻ thù, mang trong mình sức mạnh kiên cường, bất khuất, nguyện một lòng hy sinh để bảo vệ đất nước, tất cả tạo nên sức mạnh dân tộc, đoàn kết, quyết tâm giành lại độc lập tự do. 

Về phim tài liệu, đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục được các nhà làm phim lựa chọn cho các tác phẩm của mình bên cạnh đó đã phong phú thêm những chủ đề mới như cuộc sống lao động của người dân, các câu chuyện tại các địa phương trên mọi miền của Tổ quốc, các vấn đề trong xã hội, đời sống con người. Có thể kể đến một số bộ phim như: Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1990), Hà nội trong mắt ai (1982), Chuyện tử tế (1985). Điểm mạnh của phim tài liệu là miêu tả hiện thực một cách khách quan, trung thực về con người, sự việc, chứa đựng những giá trị tư liệu nhất định về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người, không những thế phim tài liệu còn phim tài liệu có thể nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng và sự kiện thông qua việc sử dụng các chi tiết điển hình, kết hợp với âm nhạc, tiếng động, lời bình, các thủ pháp dựng phim…, tác động mạnh mẽ tới người xem, tạo hiệu ứng lan rộng trong xã hội. Qua những thước phim chân thực đó, ta thấy hình ảnh con người, đất nước Việt nam từ thưở xưa cho đến nay, từ làng quê bình dị đến thành thị phồn hoa, văn hóa dân tộc được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bằng cách kể mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với thủ đô để phản ánh suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội, bên cạnh những cảnh sinh hoạt của người dân Hà Nội thời bao cấp, vẽ nên một Hà Nội thanh bình 40 năm trước. Khác với Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế là bộ phim nêu ra vấn đề xã hội với câu hỏi "Thế nào là sự tử tế?". Hai tác phẩm cũng khắc họa vẻ đẹp Hà Nội nghìn năm, từ lịch sử, văn hóa đến nhịp sống đời thường.

Có thể nói phim tài liệu như công cụ lưu giữ lại những giá trị văn hóa, lịch sử, văn hóa của dân tộc, không dừng lại ở đó thể loại này còn lan tỏa những giá trị đó đến với người xem một cách chân thực và sâu sắc nhất.

Theo xu thế hội nhập và phát triển, Điện ảnh Việt Nam cũng đã có những tác phẩm đem yếu tố văn hóa để lồng ghép vào trong bộ phim và đạt được những thành công trên thị trường quốc tế như: Mùa len trâu (2004), Song lang (2018) Những đứa trẻ trong sương (2021),...

Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đi qua chặng đường dài 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Các tác phẩm điện ảnh cách mạng vẫn còn mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật to lớn cho đến ngày nay. Điện ảnh giúp kết nối, quảng bá, lưu giữ các giá trị văn hóa hiệu quả và nhanh nhất. Hiện nay có những hạn chế trong việc quảng bá văn hóa qua tác phẩm điện ảnh tuy nhiên với xu thế hội nhập, việc quảng bá văn hóa đang có những điểm sáng. Điều quan trọng là các nhà làm phim cần phát huy thế mạnh quảng bá, khai thác, lan tỏa yếu tố bản địa, con người Việt Nam, nét riêng của văn hóa dân tộc đến với người trẻ và bạn bè quốc tế./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực