Hội thảo khoa học “Giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học”

Thứ hai, 03/06/2024 11:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc cần được cụ thể hóa thành hệ thống các chương trình đào tạo, các bài học cụ thể gắn kết giữa lý luận và thực tiễn văn hóa – nghệ thuật, hệ thống các học liệu – đạo cụ và đặc biệt là nguồn cảm hứng văn hóa – nghệ thuật của cả người dạy lẫn người học để đảm bảo tính hiệu quả của giáo dục
Chủ trì phiên toàn thể của Hội thảo 

Vừa qua, tại Tây Nguyên, Viện Phát triển giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: "Giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các sở Giáo dục và Đào tạo, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cả nước.

PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu khai mạc  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Đức Niêm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Hội thảo giúp chúng ta nhận diện giá trị và tầm quan trọng của giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong hệ thống giáo dục Việt Nam và thế giới, đồng thời tạo mạng lưới các nhà khoa học về văn hóa và nghệ thuật các dân tộc Việt Nam. Hội thảo khoa học là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và các sở ban ngành trong cả nước chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”.

GS.TS Nguyễn Thanh Hà - Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục Việt Nam (đơn vị chủ trì Hội thảo) khẳng định: “ Văn hóa – nghệ thuật dân tộc là suối nguồn của cuộc sống và sáng tạo, góp phần xây dựng con người thành các cá nhân vừa có nền tảng, ý thức văn hóa tộc người và có cảm giác được thuộc về cộng đồng mình, vừa có ý thức bảo vệ nét đẹp văn hóa tộc người và luôn tìm được nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong cuộc sống. Giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc cần được cụ thể hóa thành hệ thống các chương trình đào tạo, các bài học cụ thể gắn kết giữa lý luận và thực tiễn văn hóa – nghệ thuật, hệ thống các học liệu – đạo cụ và đặc biệt là nguồn cảm hứng văn hóa – nghệ thuật của cả người dạy lẫn người học để đảm bảo tính hiệu quả của giáo dục. Do đó, các nhà khoa học cần xây dựng các bản thiết kế phù hợp để kết nối các nguồn lực quý giá ấy, trực tiếp đóng góp cho sự nghiệp giáo dục con người văn hóa hôm nay và mai sau”.

GS.TS Nguyễn Thanh Hà - Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Hội thảo quy tụ 44 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các viện, trường đại học, cao đẳng; các nhà quản lý của các sở giáo dục và đào tạo, sở VHTT&DL; các nghệ nhân, già làng trên khắp các vùng miền Việt Nam. Trong số 44 tham luận đăng trên Kỷ yếu Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 14 tham luận trình bày tại phiên toàn thể và hai tiểu ban.

Nội dung các tham luận được trình bày tại Hội thảo đề cập đến lý luận và thực tiễn, phương pháp đào tạo, giảng dạy văn hóa - nghệ thuật dân tộc; thực trạng, giá trị, ý nghĩa, loại hình, thang đo hiệu quả và các vấn đề liên quan đến vai trò, ý nghĩa, mục tiêu của giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học.

Để làm sáng tỏ thêm các chủ đề liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, Hội thảo đã chia làm hai tiểu với chuyên đề: Giáo dục văn hóa dân tộc và Giáo dục nghệ thuật dân tộc. Cụ thể:

(1)  Nền tảng lý luận về giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc, trong đó chú trọng các vấn đề tính đa dạng nhưng thống nhất của văn hóa Việt Nam; bản sắc văn hóa các tộc người trong thực tiễn đời sống; vai trò và ý nghĩa của nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học;

(2)  Các thiết chế cụ thể quan trọng để triển khai giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học trong xã hội Việt Nam đương đại, trong bối cảnh nền giáo dục có phần thiên về giáo dục lý thuyết, giáo dục kiến thức khoa học và kiến thức chuyên môn; cần thảo luận cụ thể nguồn nội dung, học liệu, lực lượng giáo viên và các nguồn lực cần thiết khác;

(3)  Các hình thức, phương thức, phương pháp giảng dạy văn hóa – nghệ thuật dân tộc cụ thể, có chú trọng tính trải nghiệm tự thân của người học; đa dạng hóa các hình thức, kênh đào tạo từ trên trường lớp cho đến các hoạt động trải nghiệm ngoài xã hội, qua các hình thức phê bình văn hóa – nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, kể chuyện văn hóa, sáng tạo nội dung văn hóa, v.v...

Quang cảnh Hội thảo

Tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi những hạn chế, vướng mắc, những trăn trở, suy nghĩ và đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy giáo dục văn hóa - nghệ thuật trong trường phổ thông và đại học. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các nhà quản lý trong việc lựa chọn nguồn tư liệu về văn hóa – nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để giáo viên tham khảo; bảo tồn nguyên vẹn bản chất, thuộc tính và giá trị nghệ thuật truyền thống để tránh truyền dạy một sản phẩm nghệ thuật thiếu hoàn chỉnh trong hệ thống giáo dục đương đại.

Những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, sở GD&ĐT, sở VHTT&DL, các trường đại học, cao đẳng sẽ góp phần xây dựng và thiết kế một khung chương trình đào tạo về giáo dục văn hóa – nghệ thuật phù hợp, góp phần thúc đẩy giáo dục văn hóa – nghệ thuật đối với thế hệ trẻ trong các trường phổ thông và đại học ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực